NSND Lê Khanh: “Thật khập khiễng nếu phụ nữ đòi hỏi bình đẳng giới đúng nghĩa“ - Dạy Nối Mi

Ads Top

NSND Lê Khanh: “Thật khập khiễng nếu phụ nữ đòi hỏi bình đẳng giới đúng nghĩa“

C

ăn nhà của NSND Lê Khanh nằm khuất trong một con ngõ nhỏ trên đường Phan Đình Phùng. NSƯT Lê Mai đang ngồi nói chuyện với hàng xóm, thấy khách đến bà đứng lên ân cần dẫn vào tận nhà, vui vẻ kể nãy ăn sáng với con gái và con rể. Đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Thanh từ trên gác đi xuống, ghé ngang phòng khách nói nhỏ với vợ: “Bố ra ngoài, mẹ nhé”.

Rời xa thánh đường sân khấu và điện ảnh, cũng không vấn vương những tụng ca tượng đài nhan sắc, NSND Lê Khanh của đời thường giản dị và gần gũi. Điều ngạc nhiên thứ nhất là biết có chụp hình nhưng chị để mặt mộc, trang phục nhẹ nhàng. Điều ngạc nhiên thứ hai là biểu tượng nhan sắc lại thoải mái tự nhận mình không đẹp, chậm chạp, còn kể con gái hay đùa “may mà hàng ngày mẹ đi chợ không gặp cánh săn ảnh”. Và cứ thế, người phụ nữ đẹp ấy dẫn tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi nghe chị trò chuyện về nghề, về đời…

PV: Hoa hậu Thu Thuỷ từng chia sẻ: “Đẹp là một loại tài năng”. Và cũng không phải tự nhiên người ta hay nói “Đàn bà đẹp thì luôn có quà”. Theo NSND Lê Khanh, hình thức đẹp có quan trọng với người phụ nữ?

NSND Lê Khanh: Tôi đi chấm thi hoa hậu thì một trong những tiêu chí đầu tiên là phải đẹp. Song cô gái ấy có là hoa hậu thật sự hay không, phải là những năm tháng sau đăng quang, dựa trên những giá trị cô ấy đóng góp cho cộng đồng, rồi lý tưởng, cách sống…

Đó là chuyện của hoa hậu, còn ở đời thường, tôi cho rằng mỗi người phụ nữ đều là hoa hậu trong gia đình của mình. Bất kể ở lĩnh vực gì, hình thức nào, thì thiên chức muôn đời của người phụ nữ là sinh sản, dùy trì giống nòi. Khi người phụ nữ sinh ra những đứa con thì người mẹ có bản năng chăm chút, nuôi nấng, yêu thương, dạy dỗ con khôn lớn.

Trên đời này không có ai cao thấp hơn ai, đặc biệt hơn ai. Mỗi người đều có những giá trị khác biệt. Có người cha mẹ sinh ra may mắn có nhan sắc rực rỡ, có người khỏe mạnh, người lại có duyên trời phú… Chúng ta không bao giờ nên so sánh giá trị của những cái đẹp bởi không có cái đẹp nào hơn cái đẹp nào.

Tất nhiên cái đẹp bên ngoài chỉ là bước thuận lợi ban đầu bởi nó bắt mắt, thu hút. Nhưng nếu không có duyên ngầm, không có kiến thức, không có tấm lòng thì ánh hào quang ấy sẽ tắt lịm sau 5 phút. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các giá trị đều đẹp trên mọi khía cạnh của nó.

PV: Xã hội hiện đại phát triển nhanh và mạnh mẽ. Theo NSND Lê Khanh, mẫu người phụ nữ truyền thống liệu còn nguyên giá trị như thời trước?

NSND Lê Khanh: Chúng ta không nên so sánh các giá trị với nhau. Những gì đang tồn tại đều có lý do riêng của nó. Nhà tôi ngày xưa, 5 nghệ sĩ nên Nhà nước cho 5 chế độ, ăn không hết mà nhà không có tủ lạnh nên đồ ăn nhanh hỏng, nhưng nếu bán đi thì phạm luật. Cho nên chúng tôi bày ra cách làm lạp xường, xúc xích, bánh khô rồi tập đan lát phụ giúp bố mẹ.

Ngày xưa phụ nữ giỏi nữ công gia chánh vì đời sống khó khăn, làm gì có điều kiện ăn hàng quán. Còn bây giờ cuộc sống hiện đại, có rất nhiều phương tiện, công nghệ hiện đại hỗ trợ người phụ nữ. Nhiều người phụ nữ kiếm tiền rất giỏi, công việc bận bịu, cho nên về nhà không đủ sức nấu nướng, mệt quá là leo lên giường ngủ. Và thế là mất đi những giá trị truyền thống như bữa tối sum họp của gia đình.

Xã hội càng phát triển thì chúng ta cũng cần phải thay đổi và thích nghi sao cho phù hợp. Giá trị nào cũng có sự hợp lý, logic, chính xác đúng với thời điểm của nó. Hiện đại và truyền thống phải có sự cộng hưởng lẫn nhau.

PV: Gia đình NSND Lê Khanh hướng dẫn các con như thế nào để gìn giữ các giá trị truyền thống?

NSND Lê Khanh: Nếu gọi các con vào dạy dỗ, chỉ bảo thì chưa chắc chúng đã nghe. Nó phải là hành vi, cử chỉ trong sinh hoạt gia đình qua các thế hệ nối tiếp, tự khắc sẽ ngấm vào các con. Chẳng hạn như chuyện nhà tôi Tết nào cũng nấu bánh chưng, lúc đầu bé Hến (con gái của NSND Lê Khanh) bảo tôi: “Nhà có ai ăn đâu mà mẹ làm”, rồi cũng phụng phịu khi mẹ sai. Lớn hơn một chút, con tôi còn chủ động hỏi: “Năm nay mẹ có nấu bánh chưng không”.

Kể cả nết ăn nết ở, đối nhân xử thế với ông bà, cha mẹ, với mọi người xung quanh cũng thế. Những giá trị truyền thống cứ ngấm dần ngấm dần, mà không phải nói, phải nhắc. Cho nên người ta mới gọi là nền tảng văn hoá gia đình.

PV: Bình đẳng giới là vấn đề được cả xã hội dành sự quan tâm đặc biệt. Theo chị, vị thế của người phụ nữ thay đổi như thế nào so với trước đây?

NSND Lê Khanh: Thay đổi rất nhiều. Tất nhiên gọi là bình đẳng lý tưởng thì không có. Và cũng thật khập khiễng nếu ta đòi hỏi bình đẳng đúng nghĩa. Chẳng hạn như nam giới không thể sinh đẻ thay phụ nữ, hay phụ nữ chân yếu tay mềm cũng không thể làm được những việc nặng như nam giới. Mỗi người đều kiêu hãnh bởi thiên chức của mình. Vậy thì bình đẳng giới ở đây chính là sự tôn trọng lẫn nhau. Chính vì không có sự tôn trọng nên mới sinh ra phân biệt đối xử, kỳ thị phụ nữ.

Nam giới là dương, về cơ bản vẫn là một thực thể mạnh, mọi thứ đều mạnh mẽ, quyết liệt, nóng nảy hơn người nữ. Trong cuộc sống có rất nhiều cam go, thử thách chúng ta phải đối diện, thì cách tốt nhất là dùng chữ nhẫn, ôn hoà đối thoại. Các cụ đã nói: “lạt mềm buộc chặt”, người ta cũng hay tặng nhau chữ nhẫn là vì thế. Mà khoa học cũng chứng minh, ai mà giữ được sự nhẫn nhịn, ôn hoà thì ít stress, sức khoẻ, tinh thần cũng tốt hơn.

PV: NSƯT Lê Mai từng nói về chị: “Ai cũng bảo nhìn khuôn mặt con bé đã thấy cuộc sống an nhàn sung sướng. Không ngờ lớn lên sự nhìn nhận ấy có nhiều phần đúng”. Câu “Hồng nhan bạc phận” có lẽ không đúng với NSND Lê Khanh?

NSND Lê Khanh: Chắc chắn tôi không đẹp rồi, bởi nếu đẹp đã đi thi hoa hậu. Nói thật tôi không sử dụng mỹ phẩm, không trang điểm thì trông tệ lắm. Nhiều người xem tôi diễn trên sân khấu long lanh, lộng lẫy bao nhiêu thì ngoài đời thường, thậm chí còn không nhận ra tôi.

Nhưng một điều chắc chắn là tôi có nguồn năng lượng dồi dào. Cuộc sống của tôi cũng vất vả chứ không thong dong, nhàn nhã như người ngoài trông thấy. Ngày nhỏ, tôi sinh thiếu tháng, ốm đau dặt dẹo, sức đề kháng kém, mẹ bảo sống được là đã kỳ tích. Lớn lên, tôi cũng chậm chạp so với những người năng động. Bởi vậy với tôi, sự sống chính là niềm hạnh phúc. Hay như nghề nghiệp, mọi người chỉ nhìn thấy hào quang lấp lánh rực rỡ bên ngoài, nhưng bên trong là cả một sự nghiệt ngã. Lúc nào người nghệ sĩ cũng phải học, tìm tòi, không cho phép mình lỗi thời, dừng lại. Một công việc mà phải chạy theo nó suốt đời cũng mệt mỏi lắm chứ. Nhưng đó là đam mê.

PV: Nguồn năng lượng tích cực ấy chắc không phải tự nhiên mà có, thưa chị?

NSND Lê Khanh: Nguồn năng lượng ấy không xuất phát từ điểm mạnh của bản thân. Như tôi đã nói, từ bé tôi đã yếu ớt, chậm chạp, thần kinh kém, nhạy cảm, không nhanh nhẹn hoạt bát như người ta. Bởi vậy tôi chọn một phương pháp để chữa những yếu điểm đó, biến yếu điểm thành ưu điểm. Bằng năng lượng, tình yêu cuộc sống, tôi vẫn đi làm nghệ thuật, vẫn khám phá, tìm tòi những thể loại mới, độc lạ, thậm chí dễ thất bại. Hay như trong cuộc sống, đi đến đâu tôi cũng thích khám phá những món ăn mới, hay, và ăn thấy rất ngon. Rèn luyện để đi đến đâu mình cũng tồn tại, gặp ai cũng coi như mối lương duyên…

PV: NSND Lê Khanh sinh ra và lớn lên trong gia đình 4 đời làm nghệ thuật. Nghệ sĩ chịu ảnh hưởng từ cha mẹ là hai nghệ sĩ gạo cội như thế nào?

NSND Lê Khanh: Cái duyên may mắn theo nghề, sự chọn lọc, kỹ lưỡng được nhận từ bố, còn nghị lực, nguồn năng lượng bất tận tôi được học hỏi từ mẹ. Bố tôi gặp may mắn trong sự nghiệp từ ngày đầu, nên đôi khi ông không quá quan trọng để theo đuổi nghề của mình. Còn mẹ tôi ngược lại, luôn trân trọng mọi cơ hội lớn nhỏ để làm nghề. Bà chưa bao giờ bỏ qua bất cứ vai diễn nào, dù là nhỏ xíu. Lúc bà về hưu mất sức, gầy yếu lắm, chỉ có 34 kg. Nhưng chính điều ấy lại mở ra cho bà một cơ hội khác: bà đi đóng phim. Mà không phải bà đóng những vai long lanh đẹp đẽ đâu, bà đóng vai ăn mày. Mẹ tôi 81 tuổi vẫn đóng phim bình thường. Bà luôn nhắc nhở chúng tôi phải biết trân trọng mọi cơ hội làm nghề, bởi có những người đợi cả đời mới có một vai diễn…

PV: Hơn 50 năm cháy hết mình với hào quang sân khấu và màn ảnh. Còn điều gì khiến chị luyến tiếc nữa không?

NSND Lê Khanh: Việt Nam mình nhỏ, nên cơ hội giao thoa, hoà nhập với nền nghệ thuật trên thế giới còn hạn hẹp lắm. Ở lãnh địa sân khấu, trong chừng mực, tôi cũng đã phần nào thoả mãn được đam mê của mình. Còn bây giờ, tôi chỉ mong mình đủ sức khoẻ và chờ đợi các dự án độc đáo. Tôi nhấn mạnh sự độc đáo vì mình làm nghề nhiều năm, cho nên khán giả rất khắt khe với mình và không chấp nhận sự nhàm chán. Nghề nghiệp khắc nghiệt nhưng bù lại cho tôi sự háo hức. Tôi không sợ mạo hiểm, thất bại. Riêng trong nghệ thuật, tôi coi mình như một vận động viên, dám dấn thân và không biết sợ.

PV: Sự dấn thân chắc hẳn không phải lúc nào cũng mang lại thành công, thưa nghệ sĩ?

NSND Lê Khanh: Thất bại nhiều chứ, có thể khán giả không biết đó thôi. Cũng có thể khán giả vị tha, ưu ái và không nỡ nói những điều khiến mình buồn. Có những vai diễn tôi được trao HCV, nhưng ở quan điểm người nghệ sĩ, tôi buồn lắm, còn muốn nó hơn thế. Ví dụ nhân vật Đan Thiềm trong vở kịch “Vũ Như Tô” của cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Ý nghĩa vai diễn rất lớn nhưng thực tế trong kịch bản tôi không biết diễn như thế nào? Tôi tìm tòi nhiều cách diễn nhưng không thực hiện được, cuối cùng phải bằng lòng với một cách diễn vừa phải. Với tôi, đó là một vai diễn thất bại.

Năm 2016, tôi mạnh dạn hợp tác với một Nhà hát kịch rối cổ gần 400 năm tuổi của Nhật Bản. Tôi diễn nữ chính trong một vở kịch cổ điển, chỉ có một mình trên sân khấu, diễn với rối, lời thoại rất khó, nhiều tầng bậc, tâm lý phức tạp. Gần đến ngày ra vở, tôi nằm khóc một mình trong phòng khách sạn ở Tokyo, lo sợ, bế tắc… Rồi tự trách mình, thà rằng không dấn thân thì người ta vẫn nghĩ mình long lanh, giỏi giang. Khóc đến nỗi không còn nước mắt, không còn đường lùi đành phải diễn. Cuối cùng trời cũng không phụ, đêm diễn ấy rất thành công và tôi nhận được nhiều lời khen. Ngoạn mục nhất chính là tôi đã dám vượt qua bản thân mình.

PV: NSƯT, đạo diễn Việt Thanh từng chia sẻ vui: Ngày xưa tán được NSND Lê Khanh nhờ viết thư và chụp ảnh đẹp…

NSND Lê Khanh: (Cười). Đúng! Ngoài ra còn là sự tương tác ăn ý, sáng tạo và đầy thú vị giữa chúng tôi trong công việc. Tôi và anh Việt Thanh gặp gỡ nhau trong các dự án phim. Dự án đầu tiên là bộ phim “Săn bắt cướp”, cướp không bắt được nhưng cô diễn viên lại săn bắt được anh quay phim còn anh quay phim lại bắt được cô diễn viên. 3 tập phim đó thành công rất lớn về doanh thu, hình ảnh.

Lúc đầu, tôi cảm nhận anh Việt Thanh như một người anh rất chăm sóc, quan tâm em gái nhỏ. Đi phim là tôi muốn đi cùng anh, vì chắc chắn mình sẽ có những thước phim đẹp. Những lúc anh Việt Thanh phải đi quay cho đoàn khác, cách kết nối giữa chúng tôi là những lá thư. Lá thư dài nhất anh viết khi tôi đi quay ngoài đảo, thấy tối nào tôi cũng lôi thư của anh Thanh ra đọc, NSND Trà Giang hỏi, tôi nói chữa là kịch bản phim. Chị bảo: “Thảo nào…”.

Thành vợ chồng là cái duyên. Duyên của mình là anh quay phim xù xì, gai góc, đầy nam tính và sống trách nhiệm. Những tính cách này nhiều người đàn ông cũng có, không hiếm, nhưng cái quý là anh rất tôn trọng sự nghiệp nghệ thuật của tôi. Gia đình tôi 4 đời làm nghệ thuật, nếu ai không trân quý nghề của gia đình có nghĩa là người ta không tôn trọng mình. Tôi gặp anh và anh bộc lộ ra điều ấy. Ngược lại, tôi cũng rất trân trọng nghề nghiệp của anh.

PV: Những dịp lễ kỷ niệm, ngày sinh nhật, anh chị bày tỏ tình yêu như thế nào?

NSND Lê Khanh: Vợ chồng tôi có lúc nhớ, lúc quên. Nếu lỡ có quên thì nhắn một tin là đủ. Có lần tôi đi phim, đang trên phà ở Quảng Ninh, anh Thanh gọi hỏi: “Mẹ có biết hôm nay là ngày gì không”. Tôi không nhớ, trả lời sai. Anh lại gọi điện đến lần thứ hai hỏi, tôi vẫn trả lời sai. Đến cuộc gọi thứ 3, tôi mới nhớ ra là sinh nhật chồng.

PV: Sự xuất hiện trở lại của NSND Lê Khanh trong “Gái già lắm chiêu 3” khiến khán giả ngỡ ngàng vì ở tuổi 57, nghệ sĩ vẫn còn rất trẻ đẹp. NSND Lê Khanh có thể tiết lộ bí quyết giữ gìn nhan sắc?

NSND Lê Khanh: Tôi chuộng mỹ phẩm thiên nhiên, ăn mặc giản dị phù hợp hoàn cảnh. Nhưng quan trọng nhất là tinh thần, năng lượng cuộc sống. Rời hào quang ánh đèn sân khấu màn ảnh, mình trở về đúng cuộc sống của mình. Tôi thảnh thơi nhẹ nhõm, không ảo vọng và rất quan trọng cuộc sống thực./.

Nội dung khi không có video

No comments:

Powered by Blogger.

Day Noi Mi | Hoc Noi Mi | Noi Mi Dep | Noi Mi Lan Anh | Dạy Nối Mi | Day Noi Mi Dep Tu Nhien | Day Noi Mi Ha Noi | Day Ve Mong