“Vẫn nhớ mãi nụ cười tỏa sáng và đẹp đẽ của NSND Trần Phương “A Phủ“
Đạo diễn, diễn viên điện ảnh, NSND Trần Phương - người đóng vai A Phủ trong bộ phim điện ảnh 'Vợ chồng A Phủ' - đã qua đời tại nhà riêng sáng 26/8 do tuổi già sức yếu, hưởng thọ 90 tuổi. Đám tang NSND Trần Phương được tổ chức tại Nhà tang lễ Phùng Hưng với tính chất đơn giản để phù hợp tình hình dịch bệnh Covid-19.
Sự ra đi của NSND Trần Phương để lại niềm tiếc thương, đau xót cho thế hệ sau. |
Hòa trong dòng người đưa tiễn NSND Trần Phương về nơi an nghỉ cuối cùng, NSND Mạnh Cường xúc động: “Tôi gọi NSND Trần Phương là “bố” bởi tôi luôn coi ông như người cha. NSND Trần Phương là cánh chim đầu đàn của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Sự ra đi của ông là một tổn thất lớn của điện ảnh nước nhà. Những người ở lại, những người em, người cháu vẫn đang miệt mài học tập, noi gương ông. Chúng tôi học được ở ông niềm đam mê, khát vọng cống hiến đến cháy bỏng và hết mình vì nghệ thuật. Có thể khẳng định sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hôm nay có sự đóng góp rất lớn của NSND Trần Phương.
NSND Mạnh Cường. |
Khi mới ra trường, NSƯT Diệu Thuần được NSND Trần Phương dìu dắt, chỉ bảo với nghề. Bà kể: “Tôi đóng ba bộ phim của chú là “Tội lỗi cuối cùng”, “Đề Thám” và “Mưa rơi trên thành phố”. Còn nhớ khi đóng “Mưa rơi trên thành phố”, tôi mới ra trường nên còn rất ngố và bỡ ngỡ. Tôi cũng như Phương Thanh và nhiều diễn viên trẻ khác được chú chỉ bảo rất tận tình. Chú là người tài năng, nhân hậu, rất lịch lãm, duyên dáng, cởi mở, đúng chất nghệ sĩ. NSND Trần Phương là một trong những diễn viên nam phong độ, hào hoa bậc nhất của điện ảnh Việt Nam, ai gặp chú một lần là nhớ mãi. Không chỉ riêng tôi, mà tất cả những diễn viên được chú dìu dắt đều rất ấn tượng về chú. Nghe tin chú mất,, những kỷ niệm cũ về chú ùa về như những bức tranh nhỏ thu lại trong tâm trí. Phải nói là rất ít người để lại trong lòng các diễn viên thế hệ sau ấn tượng sâu đậm đến thế”.
NSƯT Thanh Loan thời trẻ khi đóng bộ phim "Biệt động Sài Gòn". |
NSƯT Thanh Loan nghẹn ngào kể lại những kỷ niệm với người thầy, người anh-NSND Trần Phương: “Khi đã thành danh ở lĩnh vực diễn viên rồi, NSND Trần Phương chuyển sang ngạch đạo diễn. Chính truyền hình và điện ảnh Công an là xuất phát điểm đưa NSND Trần Phương khởi nghiệp đạo diễn. Tôi còn nhớ năm 1977, ông làm đạo diễn bộ phim “Mưa rơi trên thành phố” – kịch bản nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Ông mời lứa diễn viên điện ảnh khóa 2 vừa tốt nghiệp để đóng bộ phim này của ông. Ông rất yêu công việc, truyền cảm hứng cho các diễn viên. Đặc biệt, NSND Trần Phương tuyển chọn diễn viên rất kỹ càng. Trong bộ phim “Vệt sáng ngược”, ông yêu cầu phải tìm bằng được NSND Trần Nhượng vào vai chính. Đây chính là bước khởi điểm để NSND Trần Nhượng đến với nghề và trở nên nổi tiếng. Ông phát hiện rất nhiều diễn viên không tên tuổi nhưng mới, lạ, rồi dìu dắt họ đến thành công.
Đông đảo nghệ sĩ và người hâm mộ đến tiễn đưa NSND Trần Phương. |
Tôi nhớ mãi kỷ niệm với NSND Trần Phương. Năm 1983, khi tôi công tác trong điện ảnh Công an, lãnh đạo có mời tôi vào một vai phụ trong một bộ phim, đúng lúc đó lại có giấy mời tham gia Tuần lễ điện ảnh Việt Nam tại Liên Xô. Ông động viên tôi nên đi, bởi đây là cơ hội quý với nghệ sĩ thời đó.
Ngoài đời, NSND Trần Phương là người đáng mến, có nụ cười tươi tắn, đậm chất phong trần, lãng tử. Tài năng là vậy song ông rất khiêm tốn, trao đổi nhẹ nhàng, chưa bao giờ thấy ông cáu gắt nổi khùng với ai. Sau này khi ông lên trại dưỡng lão, tôi đến thăm ông. Trong tôi, ông luôn đẹp đẽ như chàng trai có nụ cười tỏa sáng đóng vai A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ” năm nào”.
Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi sống trong khu tập thể của xưởng phim, có bác Trần Phương, cô Trà Giang. Ngày ấy, trong tôi cảm thấy bác rất “hoành tráng”, đẹp trai và vô cùng tài năng. Khi lớn lên, ông xã tôi – NSƯT Tất Bình lại là đệ tử của bác. NSND Trần Phương là người yêu nghề, coi nghề là trên hết, không nghĩ đến điều gì khác ngoài nghề, Mọi người còn hay đùa bác là “luôn bay ở trên giời”. Ngoài đời, bác nhẹ nhàng, lịch lãm, sống tình cảm. Tôi có học với con trai của bác nên hai gia đình cũng hay qua lại. Những năm tháng cuối đời, vợ chồng tôi rất hay lên thăm nom bác”, NSND Lan Hương “Em bé Hà Nội” xúc động.
NSND Thu Hà. |
NSND Thu Hà không thể kìm được nước mắt khi nhắc đến NSND Trần Phương: “Ông là người đầu tiên đưa tôi vào điện ảnh, là người thầy đầu tiên. Tôi còn nhớ bộ phim đầu tiên tôi đóng, đó là một vai ngắn trong phim “Thủ lĩnh áo nâu”, tôi cũng đóng vai một cô tên Hà, chỉ xuất hiện một chút thôi nhưng cả rạp ai cũng ồ lên. Dù chưa có thể hiện gì nhiều nhưng hiệu quả điện ảnh rất lớn.
Vẫn biết là ai cũng sẽ đến lúc thôi, nhưng không tránh khỏi nghẹn ngào và bồi hồi. Bởi nhìn thấy “bố” là thấy tuổi trẻ của mình, nhớ những tháng ngày đầu tiên chập chững với nghề của mình. Nhìn những nghệ sĩ gạo cội xây dựng nền móng cho điện ảnh nước nhà cứ dần dần ra đi, thấy thấy buồn và đau xót. Tôi coi “bố”-NSND Trần Phương như một tượng đài, góp công sức xây dựng nền điện ảnh nước nhà từ những viên gạch đầu tiên”./.
No comments: