Nhà hát online: Để thành xu hướng cần có sức bật
Biểu diễn trực tuyến khiến cho nghệ sĩ dễ tiệp cận với công chúng hơn, số lượng khán giả nhiều hơn. Nếu biểu diễn trực tiếp có khi chỉ vài trăm, vài nghìn nhưng khi biểu diễn online có khi có hàng chục nghìn thậm chí hàng trăm nghìn người theo dõi. Nhà hát online là cơ hội khác để truyền tải cách thức nghe nhạc mới, là 1 xu thế mới, là kênh truyền thông tốt.
Trong lúc khó khăn thì sân khấu trực tuyến làm cho đời sống sân khấu vẫn có hoạt động mà không bị gián đoạn, vẫn đến được với khán giả, các nghệ sĩ vẫn đến được với khán giả bằng tâm huyết của mình.
Biểu diễn nghệ thuật trực tuyến phát huy những lợi thế tối đa trong những hoàn cảnh đặc biệt như trong tình hình đại dịch Covid-19. Và việc có một nhà hát online sẽ là một điều thuận lợi cho công chúng yêu nghệ thuật khi ở đó hội tụ đủ các loại hình văn hóa nghệ thuật từ kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, ca nhạc mới đến múa rối nước… để khán giả thoải mái lựa chọn dù ở phòng khách trong nhà mình hay thậm chí cả phòng ngủ. Nhưng mô hình “nhà hát online” hiện vẫn đang là giấc mơ chưa hiện hữu.
Theo NSƯT Văn Chương, Phó Giám đốc nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), để giấc mơ đó dần trở thành hiện thực thì những người chịu áp lực đầu tiên là những nghệ sĩ biểu diễn: "Họ phải là những người có kỹ năng rất cao mới có thể biểu diễn khi không có khán giả. Bởi nếu biểu diễn trực tiếp có thể có những sơ suất nhỏ nhưng có cảm xúc thăng hoa thì sẽ ẩn bớt, nhưng khi nghe, xem trực tuyến trên mạng xã hội, người ta có thể xem đi xem lại và tập trung cao độ nên dễ dàng nhận biết những điều “phô” khi diễn online. Vì vậy để có thể biểu diễn online người nghệ sĩ phải có bản lĩnh, có sự chuyên nghiệp… ".
NSƯT, ca sĩ Hoàng Tùng. |
Dù có những áp lực nhất định, song theo NSƯT, ca sĩ Hoàng Tùng chúng ta cần phải nhìn nhận “nhà hát trực tuyến” ở cả 2 khía cạnh giải pháp tình thế và xu thế tất yếu của xã hội phát triển. NSƯT Hoàng Tùng cho rằng những buổi biểu diễn trực tuyến và rộng ra là mạng xã hội cho người nghệ sĩ nhiều hơn những cơ hội đến gần với công chúng. Tuy nhiên, để biểu diễn online thành hoạt động thường xuyên thì người nghệ sĩ phải thay đổi bản thân mình: "Tôi nghĩ trong thời đại mới thì không chỉ nghệ sĩ mà toàn xã hội cần phải thay đổi, đây là xu thế rồi, vì đây là cơ hội để chúng tôi thay đổi mình để hoàn thiện hơn. Chúng tôi phải nhìn nhận và thay đổi hình ảnh của mình cũng như làm tốt hơn những điều mình chưa đạt tới để hoàn thiện mình hơn. Là một nghệ sĩ chân chính phải luôn luôn tích cực".
NSƯT, ca sĩ Mai Hoa, nhà hát VOV cho biết, với đặc trưng phục vụ làn sóng phát thanh, chị đã nhiều lần thu thanh, cũng đồng nghĩa với việc biểu diễn không có khán giả trực tiếp. Vì vậy khi biểu diễn trực tuyến trên nền tảng internet sẽ không phải là thử thách với chị.
Và khi thực hiện biểu diễn trực tuyến mang lại cho nghệ sĩ nhiều lợi ích nhất định: "Nếu nói về sự khác biệt thì không có nhiều khác biệt lắm, vì có những chương trình biểu diễn trực tiếp khiến cho nghệ sĩ thăng hoa hơn. Nếu không có khán giả nếu một người làm nghề chuyên nghiệp thì nó không ảnh hưởng gì nhiều lắm vì chúng tôi là những nghệ sĩ của Đài, chúng tôi ý thức được việc biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị. Khi thực hiện biểu diễn online tuy có những hạn chế nhất định nhưng nghĩ rộng ra thì chúng ta được tiếp cận rất nhiều khán giả. Các nghệ sĩ chân chính hết mình vì khán giả của mình không phải vì trực tiếp hay online…".
Không để đời sống văn hóa nghệ thuật bị gián đoạn bởi dịch bệnh, Bộ VHTT&DL đã tính đến phương án xây dựng nhà hát online. Tuy nhiên, để thực hiện được còn rất nhiều việc chúng ta cần phải làm. NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát múa rồi Việt Nam cho biết đơn vị đã thực hiện rất nhiều buổi biểu diễn trực tuyến, thậm chí tham gia liên hoan nghệ thuật quốc tế online thành công vang dội. Việc tổ chức những show diễn trực tuyến không phải là việc quá khó khăn đối với nhà hát Múa rối Việt Nam, tuy nhiên, cũng chỉ nên coi đó là những giải pháp tình thế trong bối cảnh nhất định. Còn nếu muốn xây dựng “nhà hát trực tuyến” trở thành một xu thế trong thời đại công nghệ tiên tiến cần rất nhiều điều kiện khác nữa, kể cả bài toán kinh phí.
NSND Nguyễn Tiến Dũng “hiến kế”: "Cục nghệ thuật biểu diễn thành lập nên 1 nhà hát online do cục quản lý, hoặc tổ chức sản xuất, mang thương hiệu cho sân khấu Việt Nam và phân công lịch cho chúng tôi, chẳng hạn như hôm nay nhà hát kịch, mai nhà hát múa rối biểu diễn… ở nhà hát đó rất nhiều loại hình nghệ thuật được giới thiệu đến khán giả. Bằng tên tuổi nhà hát của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì đó là một bằng chứng nhận rằng các chương trình nghiêm túc, nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, nhà hát chuyên nghiệp. Chúng tôi rất mong có nhà hát trực tuyến của Bộ Văn hoá đứng ra thì chúng tôi hết sức ủng hộ và có trách nhiệm để xây dựng và gìn giữ thương hiệu đó.
Đồng tình với ý kiến của NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSƯT Văn Chương, Phó Giám đốc nhà hát VOV cũng cho rằng để nhà hát online trở thành một xu thế tất yếu cần có bộ công cụ để quản lý của cơ quan chủ quản: "Tôi cho rằng các cơ quan quản lý phải có những quy định, chế tài thật chi tiết để quản lý cả về mặt hình thức biểu diễn và cả nội dung nghệ thuật…"
Nhìn nhận một cách công bằng thì với điều kiện hiện tại, biểu diễn các chương trình nghệ thuật trực tuyến là một giải pháp tình thế hữu hiệu để đời sống nghệ thuật được lưu chảy trong những hoàn cảnh đặc biệt. Còn mô hình “nhà hát online” chỉ có thể trở thành một xu thế, một cách thưởng thức nghệ thuật của thời đại thì còn cần có một sức bật, cần một sự bắt đầu đổi mới từ tuy duy, nhận thức đến các cơ chế, chính sách./.
No comments: