Sách 'Cường quốc trong tương lai': Tinh thần biến đau thương thành sức mạnh của Việt Nam
Trong cuốn sách 'Cường quốc trong tương lai - Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030', tác giả Hamada Kazuyuki dành hẳn một phần để luận bàn về kinh tế Việt Nam.
Đây là cuốn sách được xem là "tập bản đồ thế giới tương lai" dự đoán về một thế giới sắp đến. Tác phẩm được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gửi tặng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị quản lý thuộc Bộ nhân dịp năm mới Tân Sửu. Được sự cho phép của Alpha Books - đơn vị xuất bản cuốn sách, VietNamNet xin trích đăng một phần của cuốn sách này.
Tinh thần biến đau thương thành sức mạnh
Tinh thần vượt lên nghịch cảnh của người Việt Nam cũng rất mạnh mẽ. Trong chiến tranh Việt Nam, họ đã kiên trì chiến đấu và cuối cùng đánh đuổi được quân địch Mỹ với khả năng chiến đấu áp đảo. Trước chiến tranh Việt Nam với xâm lược Mỹ, lịch sử Việt Nam cũng trải qua những thăng trầm đầy cam go. Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp vào cuối thế kỷ XIX, trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Việt Nam cũng chịu sự chiếm đóng của quân Nhật. Thế nhưng sau thế chiến, cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt cũng đã diễn ra hết sức gay gắt nhằm "xây dựng một quốc gia của riêng mình".
Tháng 12 năm 1946, quân đội Pháp có các hành động quân sự nhằm đàn áp cuộc nổi dậy này dẫn đến bùng phát cuộc chiến tranh giành độc lập. Đây là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Cuộc chiến của tổ chức nổi dậy giành độc lập (Việt Minh) đánh du kích quân đội Pháp với vũ khí hiện đại kéo dài nhiều năm và được viện trợ từ các nguồn lực nước ngoài khác. Cụ thể là Việt Nam nhận viện trợ quân sự, vũ khí từ Liên Xô, Trung Quốc còn Pháp bị Mỹ cuốn vào một phần của Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên tháng 6 năm 1950, Chiến tranh Triều Tiên bùng phát, Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ không còn “nhúng tay“ vào Việt Nam. Thế là quân Việt Minh trở nên áp đảo quân đội Pháp, chiến tranh kết thúc vào năm 1954, Pháp rút chân khỏi Việt Nam sau gần 80 năm đô hộ.
Vấn đề là Việt Nam từng trở thành một quốc gia bị chia cắt khi Mỹ không đồng ý Hiệp định đình chiến Geneve thời điểm ấy và thành lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam. Các cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc dẫn đến Chiến tranh Việt Nam (Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai). Miền Bắc Việt Nam cùng những người ủng hộ Việt Minh ở miền Nam tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, thường gọi là Việt Cộng, nhằm đánh đuổi quân Mỹ và lật đổ chính quyền Sài Gòn.
Số bom mà Mỹ thả xuống trong tám năm kháng chiến chống Pháp (Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất) và 20 năm Chiến tranh Việt Nam cao gấp ba lần số bom trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Đất nước trong hoàn cảnh chiến lửa như thế nhưng người Việt Nam có tinh thần đoàn kết vững chắc, ý chí bất khuất, đánh đuổi cường quốc. Cái giá phải trả rất lớn, ở cả hai miền Nam - Bắc có 1,5 triệu binh lính và 2 triệu dân thường mất mạng.
Năm 1979, Việt Nam xảy ra Chiến tranh biên giới với Trung Quốc, gần đây lại đụng độ với Trung Quốc về vấn đề phát triển tài nguyên biển tại Biển Đông, nhưng dù trong cuộc phân tranh, đối lập nào, người Việt Nam cũng không chịu thua, quyết không đầu hàng mà kiên trì tiếp tục cuộc chiến.
Chiều cao và thể trạng trung bình, dáng người nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa tinh thần chiến đấu và nghị lực ngoan cường. Chúng ta không thể khinh thường, coi rẻ mà nên cộng tác với họ trên cương vị các quốc gia.
Tinh thần đoàn kết vượt qua nghịch cảnh, không nao núng dù kẻ địch là một nước lớn đã kết thành những chuỗi gen trong con người Việt Nam. Có lẽ vì có khí chất này nên hiện nay trên đất nước Việt Nam, rất nhiều nhà khởi nghiệp xây dựng các hình thức kinh doanh mới.
Không chỉ đi theo các ngành dịch vụ, sản xuất chế tạo đã có mà hiện nay còn có cả những doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học vũ trụ ra đời.
Chiến lược ngoại giao khôn khéo với Trung Quốc
Khi đến Việt Nam, tôi đã quan sát được nhiều điều.
Một công trình mà hiện nay Việt Nam đang dồn sức đầu tư là đài thiên văn. Khi xây dựng đài thiên văn ở miền Bắc, người ta nhấn mạnh “Từ bây giờ là thời đại của vũ trụ”, “Chúng tôi cũng đang hướng ra vũ trụ”. Tuy nhiên, đây chỉ là một khía cạnh; đài thiên văn cũng dùng để tăng cường trạm radar phục vụ cho việc nắm bắt thường xuyên các hành động ngoài biên giới.
Tại vành đai biên giới Việt - Trung có các cửa hàng lưu niệm bày bán nhiều bàn ghế gỗ, đồ trang trí nhưng giá cả thì được ghi bằng nhân dân tệ. Không phải là tiền đồng Việt Nam, cũng không phải đô-la Mỹ, cũng chẳng phải tiền yên của Nhật Bản. Tiếp giáp với Trung Quốc, đường sắt, đường bộ hai nước cũng thông nhau, quả là sức ảnh hưởng của Trung Quốc rất lớn. Nhiều khách tham quan, người buôn bán từ Trung Quốc sang và có thể dễ dàng chất những chiếc bàn cực lớn lên xe tải chở về nên các đồ nội thất bằng gỗ, tượng đá bán rất chạy cho tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Bề ngoài Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia hữu nghị, chung chế độ đơn đảng do đảng Cộng sản cầm quyền, nhưng giữa họ cũng đã tồn tại một quá trình lịch sử nhiều đối lập và cả chiến tranh. Dù vậy, Trung Quốc vẫn luôn muốn làm cách nào đó để hạn chế tốc độ phát triển của đất nước Việt Nam vốn thuộc loại nhanh nhất ở Đông Nam Á. Trung Quốc đang xây dựng một khu kinh tế thuộc loại quy mô lớn ở hải ngoại với vốn từ Trung Quốc tại Đà Nẵng. Hơn nữa, mô hình này lại giống đặc khu kinh tế Thâm Quyến và Trung Quốc cũng muốn nhân cơ hội này để phát triển đất nước họ. Từ đó giúp ta thấy rõ sự nghiêm túc trong quá trình thực hiện dự án.
Trung Quốc sẽ làm gì tại khu kinh tế này? Họ cung cấp những phần đất ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, thu hút các nhà xưởng. Ta cần nhìn qua chạm trán thương mại Mỹ - Trung để biết vì sao họ lại xúc tiến như vậy. Nếu chạm trán thương mại diễn ra thường xuyên họ sẽ bị đánh thuế càng cao bởi những biện pháp chế tài và trả đũa của Mỹ. Thế nhưng, nếu là sản phẩm từ Việt Nam sẽ không phải là đối tượng bị Mỹ đánh thuế cao nhằm trả đũa Trung Quốc. Họ đưa các sản phẩm Trung Quốc sản xuất sang các nhà máy Việt Nam và đóng mác Made in Vietnam rồi bán chúng vào thị trường Mỹ như từ trước đến nay. Đó là ý định của Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, nếu mối quan hệ với Mỹ tiếp tục căng thẳng thì việc xuất khẩu sang Mỹ sẽ gặp khó khăn. Điều này cũng giống như doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Trung Quốc, hiện Nhật Bản cũng đang xem xét việc di dời nhà máy đến các nước khác ở châu Á. Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam với trình độ kỹ thuật ngày càng cao là một ứng viên sáng giá. Vì lẽ đó nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang dần di dời các cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Từ sau khi chi phí nhân công của Trung Quốc bắt đầu tăng vọt thì động thái này đã khá rõ rệt nhưng vì chạm trán thương mại từ năm 2018 khiến việc di dời càng tăng tốc nhanh hơn nữa. Chính phủ Trung Quốc đã đón bắt được điều đó và xây khu kinh tế ở Việt Nam, lợi dụng Việt Nam để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Nhìn từ phía Việt Nam thì đó cũng không phải là việc xấu. Trung Quốc xây dựng khu kinh tế và đầu tư cho Việt Nam, lại còn bảo đảm việc làm cho người Việt. Nếu thay đổi cách nhìn, theo hướng “vây hãm“ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam thì vạn nhất mối quan hệ với Trung Quốc có xấu đi, khi đó Việt Nam cũng vẫn có thể tiến hành những đàm phán có lợi. Việt Nam cũng có những dụng ý riêng của mình, dựa trên việc nắm bắt tình thế của Trung Quốc trong mối quan hệ đối lập Mỹ - Trung. Việt Nam đang có chiến lược đối ngoại vô cùng khôn ngoan.
Tình Lê
4 cuốn sách hay nên đọc về dịch bệnh
4 cuốn sách hay về dịch bệnh, mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về các căn bệnh và đại dịch từ trước tới nay, qua đó giúp độc giả bớt lo lắng và bảo vệ bản thân cũng như gia đình tốt hơn.
No comments: