Kể chuyện làng: Truyền kỳ về những cây đa ở làng Phú Nhơn
Truyền kỳ về cây đa
Ngoài cây đa vừa ngã đổ, ở Sơn Tịnh hiện còn rất nhiều cây đa khác như hai cây đa bên bờ sông Trà - một trước khách sạn Mỹ Trà, một trên núi Long Đầu. Mỗi cây đa đều chứa đựng trong lòng nó những chuyện truyền kỳ mà đám trẻ trâu một thời của chúng tôi vừa thích thú muốn nghe người lớn kể lại, lại vừa sợ hãi mỗi khi ngang qua đó.
Ngay ngã ba cạnh Khu Vsip Tịnh Phong ngày nay có một con đường chạy lên chợ Ga ngang qua một ngôi tháp Chăm cổ mang tên Khánh Vân. Trên đường có một hàng đa, dân vùng này gọi đa là da, đặt chết tên luôn: Hàng Da. Khi tôi lớn lên thì hàng da/đa ấy không còn nữa nhưng nó trở thành nơi để đong đếm về mức độ của mỗi trận lũ ở Quảng Ngãi qua lời thuật của các cụ già. "Nước băng qua Hàng Da rồi", cha tôi hay nói câu đó mỗi khi có lụt lớn. Hàng Da cách sông Trà cả chục cây số, lại là vùng đất rất cao ráo, nước lũ khó ngập, ấy vậy mà một khi "nước băng Hà Da rồi" thì dân trong vùng chuẩn bị khuân đồ đạc lên … dầm nhà để tránh lũ.
Có một cây đa khác đã đi vào quá vãng, song những giai thoại về nó thì vẫn còn mãi với dân làng. Đó là "cây da bà Chấp" nằm ngay sau lưng UBND huyện Sơn Tịnh cũ. Hẳn bà Chấp chẳng phải là người trồng cây đa này nhưng chắc vì nó ở cạnh nhà bà nên người ta đặt tên ghép vào luôn.
Các cụ già kể rằng, ma quỷ rất nhiều và bu bám quanh gốc đa này. Hễ mỗi buổi trưa vắng vẻ hoặc những đêm khuya khoắt, lũ ma quỷ hay bu theo các chùm rễ của cây đa thòng xuống để cướp mũ nón những ai ngang qua đó. Khi tôi học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) dưới thị trấn Sơn Tịnh thì "cây da bà Chấp" không còn nữa sau một lần sét đánh. Dù vậy, mỗi lần đi xe đạp ngang qua đó, lũ trẻ vừa láo liêng xem có con ma nào lởn vởn giật mũ của mình không lại vừa cắm đầu đạp cho thật nhanh.
Bi kịch nhất là đang lúc sợ mọi thứ trong người thì xe đạp lại… tuột xích, một phen sợ mất mật. "Cây da bà Chấp" không còn nhưng cảm giác phế hoang từ những bình vôi, ông táo vẫn còn vương vãi khắp nghĩa địa quanh cây đa này.
Như một quy luật ở đời, có sinh có diệt, song cây đa Sơn Tịnh bỗng dưng ngã đổ, để lại một khoảng trống tiếc nuối mênh mông cho bao lớp người. Những đàn chim xanh từ nay không còn về mỗi mùa cây cho quả chín. Chợt dậy lên trong lòng một nỗi buồn thương không đong đếm hết.
Tìm chỗ ở mới cho cây đa
Sau nhiều lần hội ý với Hội sinh vật cảnh và một vài người am hiểu về phong thủy cũng như địa linh vùng đất này, nhà chức trách quyết định đưa cây đa về núi Thiên Bút. Thiên Bút, ngọn núi nằm giữa lòng thành phố Quảng Ngãi, nơi gần một ngàn năm trước, người Chăm đã chọn để xây trên đỉnh núi này một ngọn tháp, nay chỉ còn phế tích. Nhìn từ xa, núi này giống như một cây bút vờn mây trời. Mỹ danh "Thiên Bút phê vân" (bút trời vẽ mây) là dựa vào đặc điểm này. Chọn Thiên Bút để cây đa cổ thụ ẩn mình chờ ngày hồi sinh cũng là một sự lựa chọn đầy toan tính của những người am tường về cây cũng như về phong thủy.
Ông Bùi Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi tất bật như một con thoi giữa núi Bút và nơi cây đa vừa đổ bên Sơn Tịnh, vừa để chỉ huy việc cắt chặt sao cho khỏi ảnh hưởng đến thân thể của cây vừa phải lo tìm xem nơi nào có loại cẩu siêu trường siêu trọng để thuê.
Ông Quang kể: Tán của cây đa hàng trăm mét vuông như thế, chu vi gốc đến 6m, nặng 120 tấn thì không một loại cẩu bình thường nào có thể kham nổi cây đa này. Cũng may là Nhà máy thép Hòa Phát ngoài Khu công nghiệp Dung Quất có loại cẩu mà chúng tôi cần thuê nên cũng khá thuận lợi.
- Cái khó là chở cây đa nặng như thế qua cầu Trà Khúc, vừa xe vừa cây lên đến 800 tấn nên phải tính toán để khỏi xảy ra sự cố đáng tiếc. Lực lượng cảnh sát giao thông phải "bít" hai đầu cầu để xe qua thuận lợi. Rất may là mọi việc diễn ra an toàn, cho đến chiều 27/9, những xẻng đất cuối cùng lấp gốc đa hoàn tất.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh theo dõi sát quá trình vận chuyển cây đa và ông đã có mặt đúng vào thời điểm cây đa rời xe cẩu để tìm một chỗ yên vị mới tại chân núi Bút. Ông dặn dò những vị lãnh đạo ở Hội Sinh vật cảnh Quảng Ngãi và Công ty Môi trường Đô thị là phải cố gắng hết sức để cứu cho được cây đa này. Hẳn là có lý do để "cây đa Sơn Tịnh" thu hút sự chú ý không chỉ của người dân mà ngay cả lãnh đạo như thế.
"Cây đa Sơn Tịnh"
Vị trí tọa lạc của cây đa vừa đổ nằm trên đường Nguyễn Văn Linh (Quốc lộ 1 cũ), thuộc phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi nhưng dân Quảng Ngãi vẫn gọi đó là "cây đa Sơn Tịnh" dù ở Sơn Tịnh thì có đến hàng chục cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trước đây, phường Trương Quang Trọng (hiện nay là thị trấn Sơn Tịnh) còn có tên là làng Phú Nhơn.
Đến bây giờ cũng không ai lý giải vì sao, cùng thổ nhưỡng và khí hậu như nhau nhưng đất Sơn Tịnh lại "ưa" cây đa mà các huyện khác lại không có hoặc có thì cũng chỉ một vài cây mà thôi, trong khi Sơn TỊnh có đến hàng chục cây đa, thậm chí có cả một hàng đa, thành địa danh "Hàng Da" luôn! Lại nữa, khi ai đó gọi "cây đa Sơn Tịnh" thì mặc nhiên người ta nghĩ đó là cây đa tọa lạc ngay cạnh đường số 1, cách chợ Hàng Rượu chừng vài trăm mét (tức cây đa vừa đổ).
Có lẽ, nó được khoác lên mình tấm áo lịch sử và cũng là nhân chứng sống của vùng đất cách đây mấy trăm năm, khi tiền nhân mở cõi về phương Nam nên người đời sau xem cây đa ấy như một "già làng".
Hôm cây đa vừa bật gốc, người ta phát hiện dưới tầng tầng lớp lớp trong bộ rễ của nó cơ man là ông táo, bình vôi.
Tập tục của người dân vùng này là sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch), những bà mẹ quê thường mang ông táo, bình vôi và một vài thứ gia dụng bị hỏng hóc ra bỏ vào gốc đa như một cách nhờ giữ hộ chút kỷ niệm "còm" của gia chủ.
Cây đa vô tình chứng kiến bao cuộc bể dâu của vùng đất, bao no đủ của mỗi nếp nhà. Nhìn lớp vỏ sần sùi u nần đùn lên như những ụ mối đính vào thân cây đủ thấy cả một sự cổ kính, vừa chịu đựng một cách nhẫn nại và bền bỉ của nó.
Mỗi năm ở miền Trung đón khoảng 10 cơn bão lớn nhỏ thì vùng đất Sơn Tịnh - Quảng Ngãi này chiếm khoảng một nửa. Cứ thế nhân lên cho 200 - 300 năm thì đủ biết sự gồng mình của loài cây này khi phải đón nhận những trận cuồng phong trong quá khứ. Sự bền lòng của cây cũng là sự kiên gan của con người nơi vùng đất này.
Dân Quảng Ngãi hay nói lái Sơn Tịnh là… sinh tợn quả không sai. Ngay sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, người ta đã thống kê chỉ riêng Sơn Tịnh đã đóng góp cho đất nước gần 20 tướng lĩnh, trong đó có những vị tướng lừng danh như: Trung tướng Phạm Kiệt - người ủng hộ tướng Giáp "kéo pháo ra" trong chiến dịch Điện Biên; tướng Nguyễn Chánh, nguyên Tư lệnh Quân khu 5, người từng làm cho quân Pháp ở Tây Nguyên điêu đứng suốt 9 năm trời 1945 - 1954, tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn năm 1975… Tôi cứ băn khoăn mãi, không biết những cây đa ở Sơn Tịnh có một mối liên lạc ngầm nào với các vị tướng lĩnh của vùng đất này hay không?
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
No comments: