Phạm Ngọc Lân, Kim Quy, Trịnh Đình Lê Minh tham gia tuyển chọn dẫn dắt dự án phim ngắn
Ban giám khảo đảm nhận vai trò chọn lọc dự án lần này là đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và đạo diễn/biên kịch Bùi Kim Quy
Chúng tôi hy vọng các dự án được chọn lần này qua khóa học On The Reel Film Lab sẽ là những khởi đầu thuận lợi của các nhà làm phim trẻ, góp phần giúp họ phát triển xa hơn trong sự nghiệp, và đến gần hơn các liên hoan phim khu vực và quốc tế.
Bà Phạm Thị Thanh Hường - trưởng ban văn hóa của UNESCO tại Việt Nam
Khóa học được tổ chức với sự đồng hành của Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) tại Việt Nam, và các công ty, tổ chức: HK Film, WallSound Post Production, Hanoi Grapevine và Colab Vietnam.
Khóa học nhằm cung cấp kiến thức cơ bản giúp cho những nhà làm phim trẻ Việt Nam phát triển các dự án phim ngắn, tìm được lộ trình sản xuất phù hợp và tự định hướng sự nghiệp làm phim.
On The Reel Film Lab được tổ chức trực tuyến trong tháng 10-2021, dưới sự dẫn dắt và tham gia của nhiều đạo diễn, nhà làm phim uy tín trong, ngoài nước như đạo diễn Phạm Ngọc Lân, nhà sản xuất Pimpaka Towira, đạo diễn Trương Minh Quý, đạo diễn Bùi Kim Quy, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Sau một tháng kêu gọi nộp hồ sơ, On The Reel Film Lab đã nhận được gần 100 đề xuất dự án phim chất lượng với tính khả thi cao, ở các thể loại phim truyện, phim tài liệu và hybrid (lai giữa hai thể loại) của cá nhân hoặc nhóm tác giả.
6 dự án xuất sắc, phù hợp nhất đã được lựa chọn để tham gia khóa học, gồm:
- Dự án "Một giá đồng" (phim tài liệu, đạo diễn Hải Nhất);
- Dự án "Dư vị" (phim truyện, sản xuất/biên kịch Nguyễn Thị Xuân Trang);
- Dự án "Memory Replica" (hybrid, sản xuất/đạo diễn/biên kịch Đặng Thảo Nguyên);
- Dự án "Nấm mồ lý tưởng" (phim truyện, đạo diễn/sản xuất/biên kịch Nguyễn Lê Hoàng Phúc);
- Dự án "Một lần dang dở" (phim truyện, đạo diễn/biên kịch Nguyễn Trung Nghĩa);
- Dự án "Mother’s father’s gentlement" (phim truyện, đạo diễn/biên kịch Nguyễn Duy Anh).
Hiện nay tại Việt Nam đang rất thiếu các khóa học, chương trình, dự án đào tạo về sản xuất, hay làm phim kinh phí thấp. Các nhà làm phim trẻ nếu muốn học sẽ phải đăng ký vào các liên hoan phim, các phòng thử nghiệm về phim, hội thảo quốc tế có tính cạnh tranh rất cao. Chính vì vậy, việc tổ chức một khóa học về sản xuất phim ngắn tại Việt Nam là một cơ hội rất tốt để các nhà làm phim trẻ có thể tiếp cận với những kiến thức, quy trình làm phim trong khu vực.
Ông Nguyễn Hoàng Phương, phụ trách điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh
Ngoài những kiến thức chuyên môn được trang bị từ khóa học, hai dự án xuất sắc nhất sau khóa học sẽ nhận được hai giải thưởng, mỗi giải trị giá 2.000 USD; hai gói thiết bị quay và ánh sáng từ nhà tài trợ HKFilm; và một gói hậu kỳ âm thanh từ nhà tài trợ Wallsound.
Các dự án nhận giải phải đảm bảo hoàn thành dự án trong vòng một năm sau khóa học.
Trong phần đầu tiên của khóa học, từ ngày 5 đến 8-10, đạo diễn Phạm Ngọc Lân sẽ giảng dạy về tính thẩm mỹ của phim ngắn và làm phim kinh phí thấp. Sau phần học này, mỗi dự án sẽ có một buổi làm việc riêng với giảng viên Phạm Ngọc Lân hoặc giảng viên khách mời Trương Minh Quý.
Phần hai của khóa học, từ ngày 21 đến 24-10, sẽ do đạo diễn/nhà sản xuất Pimpaka Towira chia sẻ về ngành công nghiệp điện ảnh quốc tế cùng các kỹ năng trong sản xuất phim. Đây cũng là thời điểm học viên có thể trình bày dự án của mình với giảng viên và học viên khác trong lớp.
Khóa học On The Reel Film Lab nằm trong khuôn khổ dự án E-MOTIONS: Thúc đẩy kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim, do UNESCO và các đối tác thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác của Nhật Bản, nhằm nâng cao năng lực và trao quyền cho các nhà làm phim, cũng như tổ chức những hoạt động gắn kết các nhà làm phim trong nước với các quốc gia khu vực.
Đây là lần đầu tiên UNESCO phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh tổ chức khóa học phi lợi nhuận dành cho những nhà làm phim trẻ, với mục đích mở rộng tiếp cận cho các nhà làm phim trẻ với các chuyên gia giàu kinh nghiệm và hỗ trợ họ trong quá trình định hướng các dự án đầu tay, xây dựng sự nghiệp làm phim.
No comments: