Squid Game: Tài năng của điện ảnh Hàn Quốc hay chỉ nhờ vận may?
Được Netflix phát hành vào ngày 17/9, bộ phim rùng rợn pha chút kinh dị có độ dài 9 tập của Hàn Quốc đã trở thành "bộ phim tiếng nước ngoài" (không phải tiếng Anh - PV) của Netflix. Đồng giám đốc điều hành của Netflix, Ted Sarandos cho biết: "Squid Game sẽ không mất nhiều thời gian để trở thành phim truyền hình ăn khách nhất của chúng tôi".
Trang web theo dõi thống kê các nền tảng truyền hình trực tuyến Flix Patrol cho biết Squid Game hiện tại đang đứng đầu ở nhiều quốc gia, trong đó có cả những nền điện ảnh lâu đời và khó tính như Mỹ, Anh. Mặc dù với cách tính lượng người xem của Netflix, rất khó để xác định được rõ hiện tại bộ phim này đã có bao nhiêu lượt xem, nhưng không thể phủ nhận nó đã trở thành một hiện tượng đại chúng năm 2021.
"Vô tiền khoáng hậu", là từ mà Julia Alenxander, nhà phân tích chiến lược tại Parrot Analytics dành cho thành công của Squid Game.
"Tôi nghĩ rằng nhà phát hành đã tiên đoán trước được thành công của bộ phim tại bản xứ, cách họ đã sử dụng các tài năng, cách mà họ ra mắt phim tại Hàn Quốc. Thế nhưng tôi cược rằng, họ không thể đoán trước được thành công của bộ phim lớn tới mức độ như vậy trên toàn cầu", Julia nói.
Bộ phim theo chân nhân vật Seong Gi-Hun, do nam diễn viên Lee Jung-Jae thủ vai, anh cùng với hàng trăm người khác sẽ tham gia một trò chơi đầy bạo lực có tiền thưởng lên tới 38 triệu USD. Chỉ duy nhất một người tồn tại cuối cùng sẽ được coi là kẻ chiến thắng, số còn lại sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Hiện tại, người dùng nhiều nền tảng mạng xã hội không thể ngừng nói về Squid Game. Trên TikTok, tag "#SquidGame" đã có tới hơn 22,8 tỷ lần xem. Vậy tại sao bộ phim lại được yêu thích đến vậy?
"Truyền miệng" toàn cầu
Squid Game là một món "đặc sản" hoàn toàn độc đáo từ ý tưởng cho tới cách nhà sản xuất thực hiện bộ phim. Ý tưởng "trò chơi sinh tồn", người chơi giết hại lẫn nhau không phải mới khi trước đó đã có nhiều tác phẩm trên các nền tảng khác nhau như phim hoạt hình, truyện tranh, tiểu thuyết. Thậm chí gần đây bộ phim truyền hình được chuyển thể từ manga Nhật Bản cùng tên Alice in BoderlandI, cũng được xây dựng theo cốt truyện này, nhưng lại rất "kén" người xem.
Đặc biệt, Squid Game gần như không được chi tiền để quảng cáo trên diện rộng, độ phủ của phim trước khi ra mắt chỉ nằm ở Hàn Quốc và một số nước Châu Á. Thay vào đó, cách để Squid Game đến với người xem thông qua các nền tảng mạng xã hội như Twitter và TikTok.
"Mọi người nghe về nó, mọi người nói về nó, mọi người yêu thích nó và bộ phim tạo ra một hiện tượng xã hội cực cuốn hút, điều này khiến cho Squid Game nổi tiếng ngay cả ở những nơi chúng tôi không quảng cáo tới", người đứng đầu kênh truyền hình toàn cầu của Netflix, Bela Bajaria, nói với Vulture.
Một lý do khác khiến Squid Game đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới là khả năng tiếp cận dễ dàng. Chương trình được quay bằng tiếng Hàn, nhưng Netflix cung cấp phụ đề bằng 37 ngôn ngữ và cùng với đó lồng tiếng bằng 34 ngôn ngữ, cho phép những người không muốn đọc phụ đề cũng có thể thưởng thức dễ dàng. Việc này vô hình chung tạo ra những tranh cãi khác nhau vì thắc mắc "Bạn đã bỏ lỡ gì khi xem Squid Game bằng tiếng mẹ đẻ?", khiến cho phim càng nổi tiếng.
Tài nguyên "ảnh chế" từ Squid game
Khi bộ phim được lên sóng và lan tỏa mạnh mẽ tại Hàn Quốc cũng như các nước Châu Á, dĩ nhiên những cảnh trong phim cũng được dân tình "mổ xẻ" theo nhiều góc độ. Trong đó có trò "liếm kẹo", người chơi phải cắt các hình tròn, hình tam giác, ngôi sao, cái ô hoặc hình vuông từ một viên kẹo "dalgona", còn được gọi là kẹo bơ cứng.
Trên mạng xã hội, hàng chục triệu hình ảnh về trò chơi "liếm kẹo" trong phim được người dùng "chế". Thậm chí, không ít các nhãn hàng nổi tiếng cũng "đu" theo trò này để tranh thủ quảng bá hình ảnh. TikTok thậm chí còn tạo ra một bộ lọc có hình kẹo bơ cứng để người dùng có thể xem liệu họ có sống sót trong thử thách Squid Game hay không.
Bên cạnh đó, từ một tập phim mà các thí sinh chơi một trò chơi chết người "đèn đỏ, đèn xanh". Âm thanh của cô gái hát "mugunghwa kochi pieotsumnid", tạm dịch là "Đèn đỏ, đèn xanh 1, 2, 3!" khiến cho người chơi ám ảnh, đã được sử dụng cho hơn 420.000 video trên nền tảng TikTok.
Sự trỗi dậy của các bộ phim không nói tiếng Anh
Trước Squid Game, Netflix đã đạt được nhiều thành công vang dội với các bộ phim không nói tiếng Anh. Kể từ năm 2019, lượt xem nội dung không phải tiếng Anh của khán giả Mỹ đã tăng 71%, Bajaria cho biết.
Các bộ phim như Lupin, bản gốc bằng tiếng Pháp và Money Heist, bản gốc bằng tiếng Tây Ban Nha, đã trở thành những nội dung hàng đầu của Netflix.
Trong khi đó, Bridgerton và The Witcher, là những sản phẩm nói tiếng Anh, đã thu hút được 65 triệu đến 70 triệu lượt xem trong 28 ngày đầu tiên. Netflix tính trung bình một hộ gia đình đã xem ít nhất 2 phút của một bộ phim, Alexander nói.
Nhưng những chương trình đó chưa là gì so với Squid Game, bộ phim đang trên đà trở thành chương trình lớn nhất mọi thời đại của Netflix. Vì Squid Game đã được phát hành hưa đầy 28 ngày nên công ty vẫn chưa tiết lộ số lượng người xem là bao nhiêu.
Xu hướng phát triển trong tương lai
Những sản phẩm của nền giải trí Hàn Quốc đã phát triển mạnh ở Mỹ và trên toàn thế giới trong nhiều năm trở lại đây.
Các nhóm nhạc như BTS và Blackpink, có lượng người hâm mộ khổng lồ ở Mỹ và mức độ nổi tiếng của họ tiếp tục tăng lên. Những bộ phim như phim "Parasite" của Hàn Quốc đã thống trị Hollywood, thậm chí còn giành được giải thưởng của Viện Hàn lâm vào năm ngoái. Và bây giờ truyền hình Hàn Quốc đang trên đà thống trị.
"Những tài năng tới từ Hàn Quốc, cho dù đó là K-pop, diễn viên hay các nhà làm phim đang thu hút nhiều công ty giải trí Mỹ, họ đang cố gắng tìm cách tiếp cận nguồn tài nguyên dồi dào này. Nhân tài Hàn Quốc không chỉ nhiều về số lượng mà chi phí để sử dụng họ cũng thường thấp hơn. Netflix sẽ bắt đầu dành nguồn lực để tạo ra nhiều nội dung như Squid Game", Alexander nói.
No comments: