Xem Sex Education, bàn về giáo dục giới tính
Phim ảnh truyền cảm hứng về giáo dục giới tính theo lối cởi mở, thấu hiểu - Ảnh: Netflix
Tại Việt Nam, một số bậc cha mẹ tìm xem Sex Education như một bổn phận để hiểu thêm về thế hệ của con và qua đó, trò chuyện cùng con hiệu quả hơn.
Đừng bỏ mặc giáo dục giới tính cho phim ảnh
"Khi biết Sex Education là series đặt mục tiêu nghiêm túc về giáo dục giới tính, vợ chồng tôi đã cùng nhau xem. Sau những phán xét nghiêm khắc ban đầu, chúng tôi mở lòng và nhận ra bộ phim rất ngọt ngào. Phim cảm thông với những rắc rối oái oăm về giới tính của học sinh và cho thấy cha mẹ cần lắng nghe con nhiều, nhiều hơn nữa.
Tôi thương con vì biết con mình cũng có thể đối mặt với những nỗi lo, nguy cơ như các bạn trẻ trong phim mà không có ai để thổ lộ. Tôi thương chính mình vì hồi mười mấy tuổi, tôi cũng chẳng có ai để thổ lộ" - chị Trương Hà Anh, người mẹ của 2 đứa con tuổi thiếu niên ở quận 3, TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ.
Sex Education chỉ dành cho người trên 18 tuổi tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Một số quốc gia như Pháp, Đức hay Ý thì giới hạn trên 16 hoặc 14 tuổi.
Tương tự, Big Mouth, một phim hoạt hình giáo dục giới tính khác nói về lứa tuổi 13+, cũng được xếp loại 18+.
Xếp loại độ tuổi như vậy cho thấy: cha mẹ, người lớn không thể "bỏ mặc" việc giáo dục giới tính con cái cho phim ảnh, dù phim có dụng ý tốt. Chị Hà Anh xác định sẽ cho con xem Sex Education khi đủ tuổi nhưng sẽ trang bị thêm sách, tài liệu giáo dục giới tính của các chuyên gia uy tín.
Bên cạnh phim ảnh, hiện nay nguồn thông tin dồi dào cho thanh thiếu niên về tình dục chính là các trang web và mạng xã hội. Nhưng đây là nguồn cung nội dung tình dục chứ chưa phải giáo dục giới tính.
Giáo dục giới tính cần sự nghiêm túc và bám sát khoa học như các phim kể trên, còn nội dung tình dục trên mạng phần nhiều nhắm vào gợi khoái cảm hoặc đùa cợt, chưa kể truyền kiến thức sai, lệch lạc.
Giáo dục giới tính đừng chỉ toàn nỗi sợ
Theo trang Scholars, có 3 chương trình giáo dục giới tính chính được áp dụng tại Mỹ. Hai chương trình đầu là tiết chế và tiết chế nâng cao, khuyến khích kiêng kỵ tình dục bằng cách nhấn mạnh rủi ro.
Chương trình tiết chế không dạy thanh thiếu niên sử dụng các biện pháp tránh thai hay bao cao su. Chương trình nâng cao có dạy và khuyến cáo không quan hệ trước hôn nhân. Có thể nói các chương trình tiết chế này nhắm vào nỗi sợ: bệnh tình dục, mang thai vị thành niên (đi kèm với đói nghèo, mất tương lai), sự phán xét của xã hội và gia đình... Đôi khi chúng cung cấp kiến thức sai, chủ quan.
Nghiên cứu do Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ tài trợ chỉ ra rằng lối giáo dục cấm kỵ không mang lại kết quả tích cực cho sức khỏe tình dục của thanh thiếu niên.
Trong khi đó, chương trình thứ ba là giáo dục giới tính toàn diện, mang thông điệp tình dục là một phần bình thường và lành mạnh của cuộc sống. Theo giới chuyên môn, đây mới là triết lý giáo dục giới tính đúng đắn và cần được phổ biến.
Chương trình nhắm vào phát triển con người, các mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp giữa người và người, biểu hiện - sức khỏe tình dục (gồm cả rủi ro), cách xã hội và nền văn hóa tác động đến hiểu biết về tình dục. Những kỹ năng, kiến thức này giúp thanh thiếu niên hoàn thiện nhân cách chứ không chỉ hiểu biết hơn về tình dục.
Không thể bỏ mặc việc giáo dục giới tính cho phim ảnh nhưng những bộ phim cởi mở, tiến bộ cũng là nguồn cảm hứng để cha mẹ, con cái thực hành giáo dục giới tính tốt hơn ngay trong chính gia đình mình.
"Phim ảnh không thể thay thế cho những chủ đề được giảng dạy tốt và nghiêm túc - thứ mà hệ thống giáo dục đang rất thiếu" - nữ sinh Ciara (Anh) nói.
Giáo dục giới tính tại Việt Nam: răn đe nên dễ phản tác dụng
Thạc sĩ Hoàng Tú Anh, phó giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), nhận định với Tuổi Trẻ: Trong những năm gần đây, các nghiên cứu về trải nghiệm tình dục của vị thành niên và thanh niên tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào bạo lực, quấy rối, xâm hại tình dục.
Giáo dục giới tính tại Việt Nam vẫn chưa được coi là môn học chính thống trong toàn bộ các cấp học. Nhiều trường học thực hiện giáo dục giới tính là do lo lắng về các hệ lụy liên quan tới sinh sản, chứ không coi giáo dục giới tính là phần thiết yếu trong giáo dục phát triển con người, giáo dục làm người.
Trong nhiều trường hợp, việc giáo dục mang tính giáo điều, răn đe chứ không lấy quyền sinh sản và tình dục của học sinh làm cốt lõi, dẫn đến không có tác dụng, thậm chí phản tác dụng. Nội dung giáo dục về kỹ năng rất thiếu và yếu. Đơn giản như các thầy cô thường sẽ nói "Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục" nhưng đi mua bao cao su thế nào, sử dụng ra sao thì hầu như lại không nói.
No comments: