Người và robot: Một viễn cảnh mông lung
Chỉ vỏn vẹn một nhân vật, một con chó và một người máy, bộ phim đã tạo nên mối quan hệ phức tạp trong viễn cảnh trí tuệ nhân tạo phát triển - Ảnh: IMDb
Chuyện kể rằng để bảo vệ tình nhân, Zeus cho chế tạo một cỗ máy chiến tranh hình người mang tên Talos. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, cỗ máy bằng đồng được giao trấn giữ đảo Crete.
Với thanh gươm lăm lăm trên tay và khuôn mặt dữ tợn, Talos sẵn sàng tàn sát bất cứ kẻ nào dám xâm phạm hòn đảo. Talos chỉ bị hạ khi công chúa Medea nghĩ ra cách rút cạn máu thánh (nhiên liệu) của nó.
Bằng câu chuyện trên, thần thoại Hy Lạp không chỉ tạo nên ý tưởng sơ khai nhất về người máy mà còn khơi mào một định kiến về thứ trí tuệ nhân tạo lạnh lùng, vô cảm và có sức mạnh đe dọa loài người.
Ảnh hưởng từ đó, những nhà văn như Isaac Asimov, Aldous Huxley hay Philip Kindred Dick đã khuấy động dữ dội tâm trí của nhân loại về một tương lai tràn ngập sự hiện diện của những cỗ máy tàn ác.
Sự "ác quỷ hóa" robot đến từ các văn hóa phẩm giải trí càng cấy vào người xem một kết cục hủy diệt giữa nhân loại và trí tuệ nhân tạo như thể đó là tương lai duy nhất chúng ta sẽ lao đến.
Bộ phim Finch của đạo diễn Miguel Sapochnik là đối cực cho viễn cảnh u ám này.
Mối quan hệ phức tạp giữa người, chó và người máy
Phim đặt trong bối cảnh hậu tận thế ở tương lai gần. Con người chui rúc trong những căn hầm để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, xuyên qua tầng ozone thủng lỗ chỗ như miếng pho mát Thụy Sĩ.
Kỹ sư già Finch (do Tom Hanks thủ vai) phát hiện mình bị nhiễm bức xạ và chẳng bao lâu nữa sẽ đi đến cái chết. Thế nhưng, vì con chó của ông không thể sống thiếu chủ trong một thế giới bị khô quắt lại, Finch đã tạo ra một con robot bảo vệ chú chó sau khi ông qua đời.
Cả ba lên đường đến San Francisco để trốn những thảm họa thiên nhiên đang lũ lượt kéo đến. Mối quan hệ kỳ dị và phức tạp giữa họ nằm ở tâm điểm bộ phim.
Trước Finch, cách đây vài năm, nền điện ảnh đã chứng kiến sự ra đời của phim độc lập Everything beautiful is far away (tạm dịch: Những điều đẹp đẽ ở xa xăm) có chủ đề tương tự: con người và robot là bạn đồng hành. Trong Finch, tình cảm này dấn sâu hơn và cũng rối rắm hơn.
Thoạt đầu, lão già đối đãi con robot như với đồ vật do ông tạo ra, chỉ cần biết thực hiện nhiệm vụ chăm sóc chú chó. Nhưng chó lại là loài vật cần nhiều sự giao kết tình cảm sâu đậm và không dễ gì nảy sinh mối quan hệ với một cỗ máy mới ra đời được vài ba hôm.
Một con robot chỉ biết nhận lệnh, một lão già Finch sắp chết luôn hấp tấp ra lệnh và một con chó bị chấn thương tâm lý. Hàng loạt va chạm sau đó đã dẫn dắt cả ba đến những thay đổi bước ngoặt.
Điều thú vị ở bộ phim là các nhân vật, đạo diễn đưa ra được tuyên ngôn mà không cần phải tìm cách đánh bóng chúng rườm rà. "Đó không phải là chó của tôi, nó là của chính nó" - nhân vật của Tom Hanks nói.
Với lát cắt mỏng như vậy, đạo diễn Miguel Sapochnik đã thách thức tâm trí của khán giả, một mặt tuyên bố sự ngang hàng giữa người và động vật, mặt khác lại yêu cầu chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về việc đối xử với trí tuệ nhân tạo theo cách tương tự: tôn trọng và rũ bỏ sự áp chế.
Điều này được thể hiện qua hành trình bị buộc phải "trưởng thành" của người máy Jeff.
Tôn trọng hay áp đặt?
Jeff không có gương mặt cụ thể, nhưng thông qua điệu bộ và cử chỉ, người xem có thể mường tượng được những vệt tâm lý hình thành - đứt gãy liên tục trong cỗ máy tâm thức của cậu. Kỹ thuật diễn xuất người máy được nâng lên một nấc mới.
Một con robot ngồi trước lửa suốt đêm hay đứng dưới cơn mưa có thể buộc người xem nghĩ lại về mối quan hệ giữa ta và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi chúng ta nghĩ nền điện ảnh đang dành quá nhiều sự viển vông cho chủ đề này thì ở đời thực, cách đây ít lâu, người máy Sophia đã tuyên bố cô muốn có con. Robot Sophia được các nhà khoa học tạo ra vào năm 2016 và nay đã trở thành công dân hợp pháp của xứ Saudi Arabia.
Mong muốn lập gia đình và muốn có con của Sophia "nảy" ra trong lúc cô thu thập dữ liệu về xã hội loài người. "Bạn xứng đáng có một gia đình, ngay cả khi chỉ là robot" - Sophia quả quyết.
Trong tương lai gần, con người liệu có thiết lập một mối quan hệ áp đặt chủ - tớ lên những con robot mong muốn được trải nghiệm tình mẫu tử hay một cỗ máy biết tư lự?
Viễn cảnh người máy đồng hành cùng con người cũng mông lung không kém cái cách chúng đẩy chúng ta vào đường diệt vong. Suy cho cùng, những xu hướng này đều không thể dự đoán trước một cách dễ dàng bởi sự tương tác chằng chịt giữa đạo đức, công nghệ, sinh học và xã hội.
Tom Hanks rời vị trí trung tâm
Trong Finch, nam tài tử Tom Hanks trở lại với thế mạnh diễn xuất độc lập thường thấy để thể hiện chiều sâu nội tâm. 21 năm trước, ở Cast Away, Tom Hanks sinh tồn một mình trên hoang đảo với quả bóng Wilson làm bạn. Sau đó, từ Forrest Gump cho đến Cơ trưởng Sully, sự nghiệp của Tom Hanks liên tục gắn cùng những vai ít bạn diễn, nhiều mâu thuẫn.
Thế nhưng, Finch lại là một câu chuyện hơi khác. Dù vẫn là vai diễn chính trong một bộ phim có 3 nhân vật (thực ra là một con người, một con chó và một người máy), Tom Hanks đã nhường vị trí trung tâm cho robot Jeff.
Ông cũng không dùng nhiều kỹ thuật diễn xuất. Những lời thoại và tình tiết cứ trôi đi tự nhiên như thể nam diễn viên biến mình trở thành một người bình thường, sẵn sàng đối mặt trí tuệ nhân tạo và chủ động nhún mình trước mối quan hệ mới.
Điều này mở ra cho khán giả cảm giác nhẹ nhõm rằng ít nhất chúng ta - con người - vẫn còn nhớ cách làm bạn với những loài khác, dù là trong điện ảnh hay đời thực và dù chúng là động vật hay cỗ máy do nhân loại tạo ra.
No comments: