Kể chuyện làng: Mé sông quê ngày cũ
Bạn trở lại quê hương sau nhiều năm đi xa. Cách hơn ba mươi năm trước cũng như thế này. Sáng sớm, ghé lò bánh mì góc ngã ba mua mấy cái bánh vừa ra lò nóng hổi, rồi ra bờ sông ngồi cà phê, hóng gió.
Cầm mấy cái bánh mới vừa mua xong, bạn đứng tần ngần hết một đỗi trước mé sông được che chắn bít bùng. "Một con đường đang thi công ngoài đó...". "Một con đường?". "Ừ, một con đường trên sông". "Hàng dừa hồi đó sát cạnh mé sông mà. Sao giờ...?". "Cái nhà thủy tạ hồi đó có cái cầu dài dài xinh xinh bắc ra đó, sao giờ cái nhà nằm sát bờ sông?"...
Nhìn hàng dừa ven hè, bất chợt bạn... ngân nga: "Anh đến quê em một sớm mây hồng. Mây nước bềnh bồng trên những dòng sông. Tìm hàng dừa xanh nghiêng mình soi bóng. Tìm những cánh đồng lúa trĩu nặng bông...". Đoạn tân nhạc trong bài tân cổ "Anh sẽ về thăm lại quê em". Bài hát nổi tiếng một thời được phát đi phát lại trên đài phát thanh vào thập niên những năm 80. Người nhạc sĩ tài hoa Võ Đông Điền đã sáng tác bài Tân cổ dạo quê làng nhiều lắm những hàng dừa soi bóng cạnh mé sông. Thị dân thế hệ 6X, 7X thời đó gần như ai cũng thuộc nằm lòng.
"Nhớ hồi còn đi học có bữa tụi mình cúp tiết, đạp xe ra chợ mua cóc ổi, mía gim ra chỗ đó ngồi ăn không?". Bạn chỉ tay ra mé sông. "Chỗ đó" của bạn giờ chỉ còn trong sự hình dung, tưởng tượng. Chẳng là sát cạnh mé sông hồi năm cũ có hàng ghế đá rêu phong – Là cái "chốn" cho đám học trò trường Cấp 3 Thị xã trốn học ra tụm năm tụm bảy.
Đối diện nhà thủy tạ trên sông là ngọn đồi thấp quanh năm mát rượi bởi những tán cây dầu cổ thụ - Những "chứng nhân lịch sử" có lẽ là lâu đời nhất của mé sông làng quê đất Thủ Dầu... - Những thị dân tuổi cao niên thường ngồi đó nhìn về phía sông vào mỗi buổi sáng sớm. Đôi lần tình cờ ngang qua đó, thoảng nghe những nốt trầm buồn. "Những người già như tụi mình đang lần lượt rời đi... Giống như mé sông cũ chỗ này giờ chỉ còn trong dĩ vãng...". "Cơi nới thêm một mé sông... Đời này thưởng đẹp, đến đời sau con cháu phải... dọn dẹp! Nước chảy đá còn mòn, huống hồ mặt nước hóa... bê tông".
Bạn nhìn sông, lại hỏi vào... thinh không! Từ chỗ này có nhiều con đường để sang bên đó. San lấp thêm một mé sông, thêm một con đường nữa không để giải quyết bài toán giao thông mà chỉ để thay đổi diện mạo. Mai này ắt sẽ có đông người hân hoan đi trên con đường sông đó. Chỉ là trong đám đông có được bao nhiêu người thấu hiểu cảnh sông đã oằn mình chịu đựng những cơn đau khoan nhồi sâu tận đáy để nhẹ bước khẽ khàng.
"Sông biết đau không?". Trong một lần đứng nhìn cảnh cái cần khoan cao ngất ì đùng, đóng nhồi từng chiếc cọc bê tông dài xuống lòng sông, mình không ngăn được cảm xúc. "Sông biết đau chứ! Chỉ là sông không thể cất lên tiếng của sông. Sông cũng như con người, cũng có linh hồn, có sự sống. Người biết đau thì sông cũng biết đau. Sao không là nương tựa, là yêu thương, mà lại hờ hững đập vào sông những cơn đau thấu...". Là tiếng hồi đáp từ mênh mông vọng lại nỗi niềm sông đến mình như thế.
Lại nhớ những mùa Tết, mé sông chỗ này là bến cho những thuyền ghe chở mùa xuân từ miền Tây về neo đậu. Mé sông rực rỡ, đầy ắp sắc màu những hoa với hoa. Nhà sát mé sông, thành thử có kiểu du xuân cũng lạ. Chẳng khi nào chen chân ngắm hoa, thưởng cảnh lúc đông người. Mà cứ canh lúc về khuya vắng vẻ, thiên hạ ai về nhà nấy thì ra ngồi tán ngẫu, buôn chuyện với những người dân thương hồ chuyện trồng hoa, trồng cỏ, chuyện sông nước lênh đênh. Mấy mươi năm chứng kiến bao cuộc vui vầy những mùa xuân năm cũ. Nhiều năm rồi, chắc mé sông cũng buồn lắm khi không còn là bến đỗ cho những xuồng ghe chở những chuyến mùa xuân...
Đâu biết làm sao được! Mình và bạn cũng chỉ là những cư dân bé mọn. Dù muốn dù không cũng buộc phải chứng kiến những đổi thay. Cũng hiểu đổi thay nào cũng có sự đánh đổi. Được này mất kia. Nhưng là mong những đổi thay thuận theo tự nhiên, trên những nền tảng cũ. Là nương tựa, chan hòa với tự nhiên, với thiên nhiên, không xâm lấn, không cơi nới, đổi dời. Không dưng mà người xưa trồng những hàng dừa sát cạnh những mé sông. Có lẽ ai đó quên mất "sứ mệnh" của loài thực vật mang tên dừa, đâu chỉ là trái ngon, nước ngọt mà còn có trọng trách giữ đất, giữ bờ, bám chặt, chống sạt lở những mé sông...
Những hôm sáng ra triều cường ngập ngụa các con đường, ai nấy đều thảng thốt. "Nước từ đâu ngoi lên? Mấy chục năm ở đây đâu có thấy triều cường?". Rồi thì ngớ ra. "Đâu có gì khó hiểu. Dòng chảy tự nhiên bị thu hẹp, nước từ sông vào cống, từ cống tràn lên đường..."
Mé sông ngày cũ "được" san lấp giờ đã thành công viên. Thêm một mé sông nữa mới vừa "được" bê tông hóa. Nay mai từ sông sẽ "nổi lên" thêm một con đường. Có chuyện "mé sông" thôi mà bữa cà phê sáng bờ sông của bạn và mình mất toi niềm hứng khởi.
Bẻ chiếc bánh mì đã nguội ngắt ra thành những mảnh vỡ vụn, nhấp ngụm cà phê còn lại bạn lại đưa mắt nhìn về phía sông. "...Tìm hàng dừa xanh nghiêng mình soi bóng...". Hàng cây dừa "cổ thụ" ven hè đường cách hơn mươi năm trước còn mé sông để mà soi bóng. Giờ mỗi bữa nắng lên lặng lẽ đổ bóng xuống... công viên. Người nhạc sĩ tài hoa, tâm hồn nặng trĩu tình yêu quê hương, đất nước đã khắc họa bức tranh quê ngày cũ bằng những ca từ tuyệt đẹp. Biết ông có ưu tư, khắc khoải, như bạn, như mình, giờ mỗi bận ngang mé sông...
No comments: