Tại sao phải leo núi?
Nhiều nhà leo núi thường nói: núi cao, tuyết trắng là phép thử cho một tâm hồn bị vẩn đục - Ảnh: IMDb
"Vài người tìm kiếm ý nghĩa của đời họ. Không phải tôi. Leo núi là điều duy nhất khiến tôi cảm thấy mình còn sống, nên tôi đã làm đến cùng. Không hối hận" - những lời cuối cùng của Habu - nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình The Summit of Gods (tạm dịch: Đỉnh núi của những vị thần).
Không ngôn từ nào có thể cắt nghĩa rõ ràng lý do vì sao con người luôn muốn đặt chân lên những đỉnh núi.
Mỗi năm Everest vùi lấp vài thi thể. Năm sau, nhiều người du hành tiếp tục viễn chinh, thử sức những lộ trình mới, không đeo bình dưỡng khí, đơn độc hay tập thể, nhanh hay chậm, dùng dây hay tay không.
Leo núi là một lời nguyền, buộc con người đẩy tảng đá nửa danh tiếng, nửa đau đớn tiến lên rồi lại lăn xuống. Trong cuộc viễn chinh hành xác ấy, nếu Everest là đỉnh núi của thần thánh thì người chinh phục là những đọa thần tìm đường về nhà.
Lời nguyền kẻ leo núi
The Summit of Gods tách người xem khỏi thành thị và đột ngột đặt họ giữa núi tuyết, nơi nhà báo Fukumachi tìm kiếm chiếc máy ảnh của nhà leo núi huyền thoại Geogry Mallory - vật duy nhất chứng minh được có phải Mallory là người đầu tiên trên thế giới chạm đỉnh Everest không.
Nhưng cuộc hành trình nhanh chóng đẩy Fukumachi theo hướng tìm hiểu quá khứ của nhà leo núi Habu - người đang giữ chiếc máy ảnh.
Hai câu chuyện được lồng vào nhau khéo léo và dần tráo đổi cho nhau vị trí trọng tâm, như chính đạo diễn Patrick Imbert thừa nhận: "Chiếc máy ảnh chỉ là một "phương tiện" để câu chuyện khởi đầu".
Habu là hình tượng kinh điển trong thế giới những nhà leo núi. Anh khao khát vinh quang nhưng bị bi kịch vùi dập: đồng đội chết trước mắt, những ngón tay phải cắt bỏ vì hoại tử, đối thủ bị núi tuyết chôn vùi.
Từ một người đồng hành với đồng đội, Habu dần chuyển sang leo "solo" - từ dùng để chỉ những nhà leo núi cô độc, không giao tiếp, lầm lũi trên mỏm đá và giao hồn phách cho gió rít.
Điều gì đã treo người đàn ông này lên vách núi? Sự đọa đầy? Khát vọng ăn mòn? Hoặc có thể như chính nhiếp ảnh gia Jeffrey Rashley từng nói: "Hãy leo lên những ngọn núi, dù đang đuổi theo các thiên thần hay chạy trốn lũ quỷ dữ".
Thay vì trả lời những câu hỏi cụ thể, bộ phim mở ra một con đường lên núi - hành trình tự vấn mà khán giả buộc phải bước đi, bám tay vào đá mới cảm nhận được.
Tác phẩm Kokou no Hito là một trong những bộ truyện tranh có nét vẽ đẹp và gây ám ảnh nhất cho người đọc - Ảnh: Getty Images
Everest: trăm năm "đuổi theo thiên thần, chạy trốn quỷ dữ"
The Summit of Gods là một bản chuyển thể xuất sắc dựa trên hai tác phẩm cùng tên: tiểu thuyết của nhà văn Baku Yumemakura và bộ truyện tranh của Jiro Taniguchi - bậc thầy mạn họa gia (người vẽ truyện manga) huyền thoại người Nhật.
The Summit of Gods cũng khiến người xem nhớ đến bộ truyện tranh Kokou no Hito cùng về đề tài tương tự. Kokou no Hito có cốt truyện cực đoan, xoáy sâu vào những đứt gãy xã hội và chìm vào cuộc đấu tranh trong tâm thức của nhà leo núi Mori Buntarou.
Trái với The Summit of Gods, bộ truyện Kokou no Hito rút cạn người xem bằng gam màu đen tối, bằng sự lẩn trốn của Mori Buntarou trước thế giới loài người lừa lọc và ánh mắt hoang dại của anh trên những ngọn núi tuyết.
Ngọn núi là nơi gỡ bỏ tất cả lớp kiêu mạn của con người và trả họ về với sự thành thật. Những lời rì rào bàn tán của xã hội, những câu hỏi tại sao của đám đông ồn ào. Tất thảy đều trở nên quá bé nhỏ, từng chút bị bỏ lại đằng sau cho đến khi im bặt trên con đường độc đạo lên đỉnh thần.
Cả hai tác phẩm đều đã chạm đến sự tan vỡ tột bậc trong tâm hồn những người leo núi đơn độc. Cách đây đúng 100 năm, người Anh mở cuộc thám hiểm chính thức đỉnh Everest với tham vọng sẽ là những kẻ đầu tiên với tay đến đỉnh núi thiêng.
Dự án thất bại và huyền thoại Geogry Mallory đã phải bỏ mạng. Trước chuyến đi cuối cùng, khi được hỏi tại sao phải leo lên đỉnh Everest, chỉ trong một phần giây, nhà leo núi ngay lập tức đáp lại: "Bởi vì nó ở đấy!". Và Mallory, Habu... cùng hàng trăm nhà leo núi không tên khác đã được nằm lại đó - nhà của họ.
Ứng cử viên cho giải Oscar phim hoạt hình
Trong nguyên tác, người xem biết chiếc máy ảnh của Mallory chứa gì, nhưng chi tiết này đã bị đạo diễn Patrick Imbert giấu nhẹm ở bản hoạt hình để đề cao ý nghĩa thật sự của tác phẩm.
Kỹ thuật vẽ siêu hạng và bút pháp của Jiro Taniguchi cũng được Patrick Imbert tiếp thu, khiến 30 phút cuối phim trở thành sự bùng nổ cả trong tuyến truyện, tâm lý nhân vật lẫn tính điện ảnh. Phim được dự đoán là ứng cử viên cho giải Oscar phim hoạt hình năm 2022.
No comments: