Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết Quê
Ai hình như cũng có một vùng quê khi sinh ra, chắc chắn trong máu ai cũng có một hồn cốt quê lúc thì lặng lẽ, lúc thì gào gọi chảy. Vì thế có người đi nửa vào trái đất để về quê, có người làm lụng đầu tắt mặt tối ở phố quanh năm để có mấy ngày xênh sang về quê trong những ngày năm hết tết đến, quê là gì sao ta cứ phải nặng lòng đến thế?
Nhà tôi đang ở cách quê có độ 30km, cứ muốn là có thể lên xe chạy về được. Nhưng đến rằm tháng chạp là đầu óc tôi chả thiết làm gì nữa, chỉ ngóng cho gia đình nhỏ của mình xong việc để đùm rúm nhau về quê sớm nhất. Đôi khi đi qua chợ, thấy bà bán mã, cô bán thịt lợn bày cỗ lòng, anh bán gà trống mào đỏ là ao ước giờ mình được ở quê thì thích biết mấy, mặc dù về quê chả có việc gì nhiều nữa.
Nhưng cứ chạm về cái ngõ ở nhà là lại thấy, mình là một thằng bé năm xưa, chiều 29 là đánh đu lên đống rơm để rút rơm cho trâu ăn, vì cả ngày 30 đến sáng mồng 3 là trâu chỉ để trong chuồng không đi chăn nữa. Rồi đến sáng 30 là khoác vai thằng bạn đi chợ, có năm thì theo mẹ từ mờ đất để ngồi trông những thứ mẹ phải mua về ăn tết. Vì mua nhiều nặng phải đi nhiều chuyến nên để tôi trông ở góc chợ cho khỏi mất đồ. Tối 30 thì ngủ gà ngủ vịt, nhưng đến giao thừa là cả nhà gọi nhau dậy, nghe người lớn chúc nhau, đọc thơ, có năm chú kế bố còn hứng chí ôm đàn hát. Đêm đó trẻ con được thưởng mấy cái kẹo lạc, ăn kẹo đến dính cả răng, vì nhà làm được nhiều nha từ mầm thóc. Xong độ 2h sáng thì chui vào ổ rơm ngủ tiếp, ngày xưa rét lắm, mà không có đệm như bây giờ, nhà ai cũng kết những bó rơm nếp vào với nhau, gọi là đánh ranh để ở dưới chiếu rồi ngủ cho ấm.
Sáng mùng 1 thì mẹ gọi dậy sớm bao giờ cũng được rửa mặt bằng nước mùi nóng, rồi xuống nhà thờ thắp hương lễ các cụ. Ăn cơm sáng xong, mẹ mở chiếc hòm gỗ thông, đưa cho mỗi anh em 1 bộ quần áo mới để diện, rồi mừng tuổi cho ít đồng. Chúng tôi tự chạy đi ra đình chơi, hay xuống làng bên cạnh xem đu quay. Tết chơi không có giờ, đến lúc nào đói thì về tìm cơm hay bánh chưng ăn, xong đi ngủ. Mùng 2 theo mẹ ra quê ngoai, ở quê ngoại thì chỉ đi chào hỏi và ăn cơm với ông bà xong, là mẹ lại giục về. Đến sáng mùng 3 thì thấy mẹ vác cái cuốc ra đồng đi động thổ, mấy người đàn ông trong nhà thì hóa mã rồi ăn cơm với nhau. Con trâu mấy ngày ăn rơm khô nhốt trong chuồng cũng cuồng lắm. Chiều mùng 3 là tôi dắt nó ra đồng cho ăn cỏ, uống nước mương. Để nó lấy sức đi bừa cho cả xóm có ruộng cấy, thế là hết tết.
Cũng ngót 30 năm tôi phiêu bạt xa làng để kiếm ăn rồi, lúc nào vui nhất tôi nghĩ về quê ít, những lúc khó khăn nhất tôi nghĩ về quê nhiều. Cả đến trong những giấc mơ tôi thấy mình là thằng bé dắt con trâu già mải miết nơi những bờ vùng, bờ thửa của cánh đồng hợp tác quê mình. Ở đó có dáng mẹ tôi thấp thoáng, áo bạc, quần xắn cao quá đầu gối, kỳ cụi cấy lúa, mướt mải gặt, hay túa mồ hôi lưng áo khi tát nước ở những ngòi cao lên mảnh ruộng nứt nẻ.
Sống ở phố tôi thấy đa số người ta thèm về quê lắm. Người thành đạt, làm quan, làm tước, có của ăn bát để, vợ đẹp con khôn thì mong về quê để được khen con nhà ông này bà nọ, mở mày mở mặt với xóm giềng. Còn những người gặp vận khó, thì lẳng lặng về quê, để tìm những lời động viên an ủi, lấy động lực để tiếp tục mưu sinh. Đã có nhiều lần tôi về quê, nằm dài ở nhà một mình, mẹ gọi dậy ăn bữa cơm rau, đậu. Rồi tôi lại ào ào đi như chạy trốn về phố phường đang hối hả người xe, chả ai mắng, chả ai trách. Mẹ chỉ dặn ra đến nhà thì nhớ gọi cho mẹ biết mà an lòng. Mà mắt tôi cứ cay xè. Nên tôi hiểu quê có giá trị với mình biết nhường mà rất khó diễn tả bằng lời chỉ biết là cảm giác thôi thúc tôi cần cố gắng lớn lắm.
Tết giờ tôi cũng đã đến cái tuổi không ăn được nhiều nữa. Chơi bời bài lá cũng chả tha thiết gì, rượu thì cũng bắt đầu biết sợ. Nhưng tết tôi vẫn háo hức lắm, chỉ cần được về nhà, thấy đám con cháu chạy ở sân gọi nhau ý ới, thấy mấy chị em dâu nấu kẹo lạc, chè lam, bỏng ngô, bỏng gạo. Ngoài sân nồi bánh chưng kêu kình khịch, xoong lá mùi già thơm ngào ngạt khắp gian bếp. Trên ban thờ thì từng vòng hương chầm chậm cháy, khói lững lờ quẩn lên nóc nhà. Mẹ tôi sau khi đi sờ mấy cái giò, nồi thịt đông, xoong canh măng. Thì thay tấm áo mời ngồi têm trầu, mặc dù mẹ chả nghiện trầu như bà nội tôi. Bố thì vẫn thế, xem sách rồi lại lùng bùng mắng mỏ ai đó? Đám con cháu đứa nào cũng nghĩ chắc ông không phải mắng mình.
Rồi đợi đến phiên chợ 30 tết, đi xem bà con mua sắm, lươn qua hàng cuốc hàng liềm, hàng hoa thược dược, hàng chum hàng vại... Cuối cùng là sà vào hàng bánh rán, ăn một cái bánh rán vàng ruộm, vẫn thơm mùi mỡ lợn, ngầy ngậy béo béo như trong ký ức về miếng ngon trong tuổi thơ của tôi ngày nào.
Tết chỉ vậy thôi, không có cái gì mới, cũng chẳng có cái gì xưa cũ. Nhưng sao rộn ràng và thèm thế, thèm đến khắc khoải mặc dù biết chắc là tết này mình sẽ vẫn ở quê, sau đó lại nặng trĩu cất bước đi hòa vào vòng đời mưu sinh trong vô vàn trắc trở... Rồi lại cố gắng làm lụng, cố gắng chắt bóp , cố gắng giữ sức khỏe, và cuối cùng là cố gắng nuôi con để đợi tết sau lại về nhà, mà không xấu hổ với lòng mình khi gặp người thân, chòm xóm. Tết và Quê cứ vậy thôi, như là một vòng tròn gối vào nhau để con người ta lương tựa thành niềm tin mà đi hết cuộc đời trong thương nhớ.
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việtmở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
No comments: