Kể chuyện làng: Hoài niệm phiên chợ trâu giáp Tết
Những người con xa xứ, dù bất cứ lý do nào và định cư ở đâu thì quê hương vẫn luôn canh cánh trong lòng, đặc biệt là mỗi độ tết đến, xuân về. Riêng bản thân tôi, trong muôn vàn nỗi nhớ, in đậm tuổi thơ là chờ đến ngày 20 tháng Chạp âm lịch để được đi chợ trâu, tổ chức tại vùng Choi, xã Sơn Hà (nay là xã Tân Mỹ Hà), huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, kể cả thời gian giặc Mỹ ném bom ác liệt, phiên chợ núp ven lũy tre dày đặc đan xen hầm trú ẩn vẫn diễn ra sôi động.
Điều thú vị, háo hức đáng nhớ là để có tiền đi phiên chợ duy nhất trong năm này, hàng ngày anh em chúng tôi tranh thủ xin cha, mẹ tiền lẻ, gồm đồng tiền nhôm 1 xu; 2 xu; 5 xu tròn hoặc tiền giấy 1 hào, nhét vào chiếc ống nứa có cưa xéo một khoảng độ 4 cm ở phía đầu gần sát mắt ống. Sáng sớm tinh mơ phiên chợ, rủ nhau đem ống của từng đứa dùng dao chẻ dọc, lấy tiền ra đếm rồi hí hửng cùng bạn bè đồng trang lứa trong lối xóm nô nức lội bộ gần 5 km từ nhà lên chợ.
Thu hút lũ trẻ chúng tôi là quầy bán kèn tu huýt (làm bằng đất sét, gắn ống trúc nhỏ cắt vát, chêm mảnh lá rừng mỏng, ngậm ống thổi tò te), chen chúc mua xong nghếch đầu lên thổi thật vui tai. Sau vài giờ đồng hồ len lỏi dạo chợ mua những thứ mình thích, lại hội tụ chọn một quầy bánh rán nóng thơm phức mua, ngồi vừa thổi phù phù vừa cười khúc khích, ăn thật ngon lành.
Xế trưa đứng bóng, trước khi ra về - tìm mua bằng được cặp câu đối mang về nhà treo hai bên bàn thở tổ tiên. Thời đó, tết đến nhà nào cũng có câu đối, bởi không chỉ trang trí mà còn ý nghĩa chuyển tải một thông điệp, phảng phất một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Câu đối hình chữ nhật, kích thước cao khoảng 1 m, rộng 25 cm, in chữ đen trên nền đỏ, viền hoa văn màu vàng, sắp xếp theo hàng dọc từ chữ đầu xuống chữ cuối, nội dung từng vế hai bên đối xứng nhau.
Gần sáu mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cặp câu đối năm xưa, khi tinh thần say mê sáng tạo trỗi dậy ở nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) và làn gió mới biến thỏi vàng từ đồng ruộng bùn đen của hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình), đó là:
Tết đến sóng cồn Duyên Hải, hoa hồng đỏ chói xưởng công nhân
Xuân về gió lộng Đại Phong, lúa biếc xanh rờn đồng hợp tác.
Rồi năm 1970, một cặp câu đối thể hiện công ơn trời biển của Đảng, của Bác Hồ muôn vàn kính yêu ra đời đón tết:
Bốn mươi năm chỉ lối đưa đường, nghĩa Đảng non cao khó sánh
Trọn một đời diệt thù dựng nước, ơn Người biển cả khôn đong
Nay tuy trạc tuổi thất tuần, vào Đà Lạt công tác từ mùa thu năm 1978 và rời nơi chôn nhau cắt rốn tròn năm mươi năm, vừa rồi có dịp về thăm quê, tôi trở lại khu chợ Choi, dù đã đổi thay rất nhiều nhưng hỏi bà con sống lâu đời ở đây thì được biết, chợ trâu tháng Chạp hàng năm vẫn duy trì đều đặn, như một nét đẹp, bản sắc văn hóa làng quê cha ông gây dựng mãi mãi trường tồn theo năm tháng, lòng bồi hồi, càng da diết yêu quê.
Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân thay cho lời kết về ký ức tết quê nhà:
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
No comments: