NSND Lê Khanh: Ngày nào với tôi cũng là ngày mới
"Mọi người nghĩ cuộc sống của tôi sẽ rất êm ái, bằng phẳng, nhẹ nhàng, lúc nào cũng thành công không bao giờ thất bại. Nhưng tôi tham gia dự án nghệ thuật nào cũng như bước trên sỏi đá, như bước trên gai hoa hồng, chứ không dễ dàng", Lê Khanh trải lòng với Dân Việt trò chuyện.
Chị từng nói "Gia đình nhà tôi có duy nhất một nghề thôi. Công việc diễn xuất, hoá thân vào hết cuộc đời của người này đến cuộc đời của người khác, chính vì thế nó kỳ thú lắm". Vậy cuộc đời thật của Lê Khanh thì thế nào?
- Phong cách làm nghề của tôi hoàn toàn đi ngược lại với tính cách bên ngoài. Với nghệ thuật tôi rất táo tợn, không biết sợ là gì, là người ưa mạo hiểm.
Cuộc sống thực tế thì ngược hoàn toàn, có khi tôi còn cũ hơn cả những người cũ. Tôi là người nói cũng chậm, ăn cũng chậm, lái xe cũng chậm. Đây là câu tổng kết của con tôi.
Trong Gái già lắm chiêu - bộ phim vừa mang lại cho chị giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc, chị vào vai Lý Lệ Hà – một phụ nữ đáo để, toan tính, mưu mô trong gia đình chuyên buôn bán đồ cổ. Điều gì trong nhân vật này hấp dẫn chị và có bao nhiêu phần trăm tính cách của chị trong đó?
- Tôi làm nghề nếu tính từ lúc 7 tuổi đến năm nay đã hơn 50 năm. Tôi hoá thân vào mọi vai diễn trong cuộc đời nên vai diễn này cũng là điều bình thường, vì đấy là nghề của tôi. Cho dù tôi có đóng đào thương hay đào lẳng, chính diện hay phản diện, tất cả cái đó đều tiềm ẩn trong con người mỗi người, không bao giờ một con người chỉ có một cá tính cả. Con người muôn màu muôn vẻ.
Bình thường sinh ra ai cũng thiện, cũng lành, do cuộc đời xô đẩy nên nhiều lúc mình bộc lộ ra cái gì, và mình kìm lại những cái gì thôi. Trong Lý Lệ Hà luôn có tính chiến đấu, bản thân tôi cũng có tính như vậy.
Phụ nữ nào cũng mơ hạnh phúc, kể cả mất một cái giá quá lớn để có hạnh phúc. Cho nên cứ khát khao, đánh đổi tất cả để có được hạnh phúc, thậm chí chiếm đoạt bằng được. Có người chiếm được, có người không, cuối cùng mới nhận ra rằng hãy bằng lòng với những gì đó mình đang có là hạnh phúc lắm rồi. Kết của Lý Lệ Hà cũng như vậy. Cô ấy nhận ra rằng hãy bằng lòng đi, có cô con gái để yêu, hằng ngày được gọi tên con, thay vì diễn một vở kịch cả đời, để chiếm đoạt thứ không thuộc về mình. Tôi nghĩ ai cũng có một phần trong đấy.
Tôi làm nghề nhiều năm, con mắt nhìn nhận cuộc sống của tôi nhiều, đi đâu, nói chuyện với ai, tôi thu nhặt những chi tiết của cuộc sống, tích cóp lại. Vì vậy một Lý Lệ Hà ấy là sự kết tinh của nhiều Lý Lệ Hà gộp lại.
Nhưng suy cho cùng, ở một người phụ nữ đều tiềm ẩn những tính cách khác nhau. Các cụ có câu nói "con giun xéo mãi cùng quằn", để thấy những tiềm ẩn trong người phụ nữ cũng khó lường, có lúc thì mình thế này nhưng có lúc lại thế khác. Bao giờ tôi hoá mình vào nhân vật mới tôi cũng đều cố gắng, nhân vật ấy như là kết tinh cho tính cách của nhiều nhân vật khác nhau, để cho ai đi xem cũng có thể thấy có một phần của mình trong đó. Vì không phải ai cũng toại ý trong cuộc đời, cuối cùng quay trở về với cuộc sống bình thường, niềm hạnh phúc mà mình nhìn thấy, sờ thấy, cảm thấy và ôm được, đó là một con đường thông minh nhất.
Giải thưởng sân khấu thì chị từng nhận nhiều rồi, nhưng tôi muốn biết cảm xúc của chị khi nhận Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22, nó khác biệt thế nào?
- Sự nghiệp điện ảnh của tôi song song với sân khấu, lúc thì tôi làm bên này, lúc lại để dành bên kia. Khát vọng của người nghệ sỹ là luôn muốn chinh phục những điều khó hơn mức bình thường, lạ hơn bình thường, mới đem lại sự kỳ thú hơn mức bình thường.
Vốn dĩ ngành nghề đòi hỏi tôi phải tìm tòi, khám phá, ngoài ra còn để làm mới mình một cách đúng nghĩa. Nghệ thuật mà lặp đi lặp lại, không có phong cách, không có màu sắc, không có bất ngờ, bản thân nghệ sỹ sẽ tự chán chính mình. Mình tự cảm thấy bản thân nhạt nhoà thì khán giả còn chán đến mức độ nào? Ngay kể cả việc xuất hiện thường xuyên cũng mang lại sự tẻ nhạt nhất định. Vì thế thỉnh thoảng tôi lại mất tích ở một lĩnh vực nào đấy.
Cuộc đời sự nghiệp của tôi trái ngược hoàn toàn những gì mà mọi người suy nghĩ từ xưa đến nay. Mọi người nghĩ cuộc sống của tôi sẽ rất êm ái, bằng phẳng, nhẹ nhàng, lúc nào cũng thành công không bao giờ thất bại. Nhưng tôi tham gia dự án nghệ thuật nào cũng như bước trên sỏi đá, như bước trên gai hoa hồng, chứ không dễ dàng. Với mỗi dự án, tôi luôn có lý do để không được phép mình dừng lại, vì nó liên quan đến danh dự. Lòng tự trọng khiến cho mình không thể bỏ cuộc, nếu có bước tập tễnh cũng phải về đích.
Tôi nhớ trong một đại hội thể thao quốc tế, có một hình tượng làm tôi nhớ mãi đó là nữ VĐV điền kinh người Nhật Bản, cô đang chạy sau đó bị ngã. Hình ảnh lay động cả thế giới lúc ấy là cô ấy vẫn cứ lết về đích. Cô ấy có một tinh thần chiến đấu kiên cường, không bỏ cuộc. Nhiều lần tôi cũng lâm vào trường hợp tương tự như thế. Tôi có thể đứng giữa đường phố của một đất nước nào đấy không ai biết Lê Khanh là ai, khóc thoải mái.
Tôi là người cầu toàn, nhiều khi áp lực để diễn tròn vai lớn quá, lúc vai diễn chưa như ý, nhiều khi không còn nước mắt để khóc nữa, nhưng vẫn phải cố gắng để bước đi, chứ dừng lại thì nhục lắm.
Khi mình đòi hỏi quá cao, mình cộng tác với những người quá giỏi, làm cho áp lực mình phải thành công, mình phải hoàn thành, mình không được bỏ cuộc xuất hiện, sống chết cũng phải đi đến đích. Những cú như thế thường rất kỳ diệu, lại thành công ngoạn mục, ngoài sự mong đợi. Cứ như ông trời muốn thử thách mình. Đây cũng là áp lực mà bản thân tôi tự tạo ra cho tôi, để mong bản thân tốt hơn.
Một diễn viên kịch nói nhưng hai lần được giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc của Liên hoan phim. Đó là tài năng bẩm sinh, một sự may mắn, hay một điều gì khác?
- Nghề của tôi phải kết hợp giữa tài năng và sự cố gắng. Đầu tiên là cha mẹ mình cho, sinh tôi ra đúng giờ đấy và tôi có cái duyên như thế. Nhưng nếu tôi không đi học, không tôi luyện hàng ngày thì làm sao tôi phát triển thêm được? Nhiều người có tài năng bẩm sinh, có giác quan thứ 6, nhưng nếu không tôi luyện, không nâng cao, không tu tập và không tầm những sư phụ giỏi thì rất giới hạn, vài bữa sẽ hết vốn.
Theo tôi, nghề nào cũng thế thôi và bản thân tôi luôn tu luyện nghề hàng ngày, nghĩ về nó, không bao giờ làm gì nếu chưa suy nghĩ thấu đáo. Trường học của tôi giản dị lắm, tôi học ở khắp mọi nơi.
Diễn viên tài năng phải hội tụ những yếu tố nào?
- Đầu tiên phải có năng khiếu, nếu không khi làm vất vả lắm. Đôi khi không được đào tạo nhưng phải có cái duyên. Rất nhiều người toả sáng vì cái duyên.
Trường mà người ta cần học nhiều nhất đó là trường đời, càng làm nhiều năm thì duyên càng lớn, kinh nghiệm càng lớn sau từng vai diễn. Giáo trình hay nhất là giáo trình được tôi luyện trên tác phẩm càng nhiều càng tốt. Thế nhưng nó cũng như con dao 2 lưỡi, nó cũng rất dễ thành thợ, nếu như không được đào tạo đến nơi đến chốn.
Phải học có hệ thống, học từ dễ đến khó. Mới đầu chỉ là bắt chước, phải tự tin, khéo léo với cái bắt chước ấy. Có thể hoá thân vào nhân vật mà mình yêu thích. Sau đó làm những tiểu phẩm, biết về kịch bản, biết viết thoại, tự mình là tác giả, tự nghĩ ra được những câu chuyện ngắn, có mâu thuẫn có xung đột, thế là tạo ra kịch tính.
Nếu đào tạo bài bản và tốt như thế nhưng ra môi trường đời lại không có cơ hội để trải nghiệm, thì cũng bằng thua. Phải kết hợp cả hai vừa trường nghề vừa trường đời. Phải xem thật nhiều, phải học phong cách diễn của người khác, đôi khi phải học thậm chí rập khuôn những hành vi, cử chỉ, để mang tính cách điển hình ấy: những con người thành đạt họ thường biểu hiện như thế nào, người yếu thế họ có xu hướng như thế nào, ngoài ra còn phải nghiên cứu về tâm lý con người, tự bản thân mình có thể nghiên cứu sâu... Tóm lại, nghề diễn cũng phải học cả đời. Vì hôm nay có thể là nhân vật này, mai lại là một nhân vật khác.
Tôi nghĩ, diễn xuất khéo léo nhưng phải thành thật. Còn ở đời thì thành thật nhưng phải khéo léo. Có khi nào chị thấy ranh giới giữa khéo léo và thành thật mong manh không?
- Trên sân khấu khéo mãi thì sẽ thành thợ, nếu không có sự rung động thật. Mà người nghệ sỹ cái thật quý lắm, nếu không sẽ bị chai sạn. Có nhiều bạn thậm chí diễn đến mấy đúp cũng không thể khóc được, cứ cố gắng cấu, véo người mình cho bầm tím, mượn sự đau đớn thể xác để lấy nước mắt... Nếu làm nghề, làm giả vờ, chỉ cần khéo thôi thì không được, không rung động được khán giả.
Ngoài đời nếu khéo léo ở mức độ nào đấy thì thấy rất tinh tế. Con người khéo léo biết nhìn trước nhìn sau, không làm ai mất lòng, biết nói câu gì đúng lúc, đúng chỗ, đừng vô duyên, làm mất lòng người ta,…nhưng không cẩn thận lại rất khách sáo.
Vậy nên, phải có tấm chân tình, không thì trước sau người ta cũng sẽ biết. Nghề diễn còn khó hơn, đã khéo mà phải thật. Nhưng nếu thật thì lại không khéo được.
Chị có nhớ mình từng đóng bao nhiêu vai diễn không? Đến giờ này, vai diễn nào chị ấn tượng nhất?
- Một kiệt tác nằm trong 100 kiệt tác sân khấu kinh điển của thế giới, đấy là vở kịch Vũ Như Tô của tác giả Nguyễn Huy Tưởng, tôi đóng vai Đan Thiềm - một cung nữ bị ruồng bỏ. Đây là dạng vai khó, có ý nghĩa rất lớn, được giới văn học đánh giá rất cao.
Vai này khiến tôi mệt nhất vì không có gì để diễn, nhưng nó đã mang lại tiếng tăm rất lớn, bao nhiêu diễn đàn văn chương phải mở ra để đặt tên "căn bệnh Đan Thiềm", khi ra thoại chỉ có dăm bảy câu chả có xung đột, kịch tính gì.
Vũ Như Tô nói: "Cái thứ cung nữ mắt thâm quầng thế kia chắc cũng chỉ say đắm trong túy hương mộng cảnh". Đan Thiềm trả lời: "Không, đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét".
Lời thoại lúc đó tôi đọc cả ngày nhưng không thể hiểu được, rốt cục là như thế nào, tôi hỏi đạo diễn cũng không nói gì cụ thể. Một cái gì không thấu đáo là tôi rất khó chịu, tôi phải nghĩ suốt, nghĩ mãi. Và sau này nghĩ lại thấy các cụ thật giỏi, những kịch bản như vậy sau này càng hiếm. Mỗi một năm nhìn nhân tình thế thái, cuộc sống, đời người, xã hội... tôi càng thấy câu này sâu sắc. Câu nói cô đọng và chất chứa, thấm, đến bây giờ càng thấm và thấy rằng những vở cũ bây giờ càng không cũ vì tính thời đại nó vẫn nguyên.
Tôi lúc ấy chưa hiểu gì lắm, khi tôi diễn trên sân khấu cũng có sự may mắn khi khản giả yêu mình rồi, nên mình dốt khán giả chả biết đâu (cười). Nhưng nếu lúc đó mình hiểu thấu thì sẽ nói khác rất nhiều, nói ở sắc độ nào tình cảm ra làm sao...
Vai diễn nào sẽ làm khó Lê Khanh?
- Tôi không bao giờ bằng lòng với vai diễn nào của mình. Sau khi chiếu lại tôi lại cảm thấy ân hận, giá như chỗ này diễn cách khác, hay mình nói lớn hơn, hay mình nói lặng đi, hoặc chỗ này mình hơi nhanh, thiếu một cái gì đó ngưng lặng cho nó sâu sắc, nó thể hiện những nỗi đau, hoặc có những khoảng trống giá trị hơn cả những lời nói...
Tóm lại tôi luôn ân hận, không bao giờ hài lòng. Sợ nhất là những vai giả vờ, không có đời sống tâm lý thật để thuyết phục khán giả.
Vậy nếu như người ta nói rằng "cuộc đời là những vở kịch và chúng ta là những diễn viên" thì hẳn diễn viên sẽ có nhiều lợi thế hơn trong sân khấu cuộc đời?
- Khi một nghệ sỹ được khán giả yêu quý, họ dễ ăn gian hơn. Khi mọi người còn tin, còn yêu nữa thì thế nào cũng được. Tuy nhiên không thể ăn gian mãi được đâu. Khán giả rất tinh tế, có học thức, cảm xúc của người ta là chính xác, nếu mình lười biếng, mình nhạt nhoà, thì đến vai thứ 3 khán giả sẽ không còn nhớ đến mình nữa. Mình sẽ cứ thế mà nông cạn dần. Cuộc sống thực cũng thế!
Chị thích diễn vai nào nhất, trong đời sống thực của mình?
- Tất cả mọi vai tôi đều thích diễn. Tất cả các vai mấy chục năm nay tôi làm hết rồi, từ cô Tấm biểu tượng của hình mẫu chịu thương, chịu khó; biểu tượng của tình yêu như Juliet, Jan'Da- biểu tượng của anh hùng châu Âu, nhà vua Lý Chiêu Hoàng, cung nữ Đan Thiềm, vai Thuý của Bến bờ xa lắc… Rồi đến những vai rất xấu tính trong Khôn ngoan không lại với giời. Gần đây có vai diễn Lý Lệ Hà trong Gái già lắm chiêu.
Tôi luôn học từ những vai như thế. Nhờ những vai diễn cho mình sống tốt hơn, nhiều dòng vai, loại vai, các loại nhân vật.
Hiện tại tôi chỉ còn mỗi vai nam giới là chưa diễn. Tôi rất tò mò, rất thích. Tôi đã nghĩ đến nhưng tôi chưa dám táo bạo.
Khi về hưu, cuộc sống của chị thay đổi thế nào? Tôi thấy chị trở nên năng động với các chương trình gameshow truyền hình hay các phim mang đậm yếu tố thị trường. Chị sợ khán giả quên mình, hay vì một điều gì khác?
- Các bạn tôi thường hay nói đùa rằng từ ngày Lê Khanh về hưu thì thay đổi lớn nhất là nói nhanh hơn. Còn tôi cũng muốn thử sức ở nhiều thể loại. Tôi thấy mình càng học càng thấy dốt. Tôi chỉ có một nghề, tôi phải giữ uy tín để tôi sống. Nghề của tôi sẽ phải làm đến khi tôi không thể làm được nữa. Như mẹ tôi có một lần bị tai biến nhẹ nhưng vẫn có thể đóng được phim "Bà nội không ăn pizza", mà vẫn khiến mọi người trầm trồ khen bà Mai diễn giỏi thế. Tôi là một người chăm chỉ và lúc nào cũng mong muốn phải thay đổi, phải làm mới mình.
Ngoài là một diễn viên, chị cũng từng làm đạo diễn, làm nhà quản lý. Lĩnh vực nào Lê Khanh "tròn vai" nhất?
- Tôi thấy mình làm diễn viên vẫn là tốt nhất. Có lẽ tôi không phù hợp với vai trò nhà quản lý.
Nghệ sĩ Chí Trung từng nói đùa trên báo: "Trong Nhà hát Tuổi trẻ, Lê Khanh là bàn thờ và Chí Trung là toilet". Câu đó nên hiểu thế nào cho đúng?
- Hiểu thế nào phải hỏi anh Chí Trung mới rõ chứ (cười). Nhưng cũng như anh ấy đã giải thích, đại ý rằng: bàn thờ thì chỉ dùng tháng 1-2 lần; còn toilet ngày nào cũng phải phải sử dụng. Tôi nghĩ câu đó anh Chí Trung cũng là vừa khen, vừa chê. Có thể khen vì con đường của tôi đi toàn chọn lối đi riêng, khó...
Cuộc sống của chị bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thế nào?
- Với riêng tôi, tôi cảm thấy bị ảnh hưởng quá nặng nề vì Covid-19. Tôi không đi làm phim vì bị lùi lại một năm, có mấy dự án đều bị delay hoàn toàn. Tuy nhiên, thay vì không đi diễn được tôi có thêm thời gian chăm sóc con cái, suy nghĩ bữa cơm cho gia đình, trồng rau. Thời gian đi rất nhanh, tôi cũng cần ngưng lại một thời gian.
Nếu sau tết không có gì thay đổi, ra tết tôi lại tiếp tục thực hiện những thứ bị delay đấy. Dành thời gian cho gia đình là khoảng thời gian không bao giờ tôi cảm thấy vô vị, lúc nào cũng thiếu.
Chị có hài lòng với cuộc sống của mình không? Người ta nói rằng Lê Khanh là một trong số ít những diễn viên có một sự nghiệp danh tiếng, một gia đình hạnh phúc, bản thân chị cũng cầu toàn. Chị định nghĩa thế nào về cuộc sống hoàn hảo?
- Hiện tại tôi rất bằng lòng, không phải ai muốn cái gì là được cái ấy, tôi cũng thế, mọi người đều thế. Không phải ai ngày nào cũng vui, nhiều lúc cũng có những nét chấm phá buồn, lo, cực nhưng không phải một mình tôi thế. Mỗi ngày sống của tôi vẫn cần thiết cho mọi người trong gia đình, mỗi ngày tôi đi vắng mọi người đều bảo có Khanh về nhà vui hẳn, làm cho tôi tự tin sự xuất hiện của tôi rất cần cho mọi người. Cuộc sống của tôi quá khó: cha mẹ già đến lúc phải lo, mình lớn tuổi cũng có lúc phải ốm... Nhưng nhiều người còn khó hơn.
Thật ra thể lực tôi yếu hơn mọi người, tính cách cũng hay dè dặt, mong manh dễ tổn thương, chính vì mình lường được điều ấy, nên mình tạo cho mình sự cân bằng, để mình vững trong sự yếu đuối, mãi dần thành quen, cho nên tôi vẫn ổn. Tôi chậm thì tôi bình tĩnh, mình đến đích muộn hơn tý, cái chủ yếu là mình có sức khoẻ để lo cho mọi người trong gia đình.
Nếu có một góc khuất mọi người chưa từng biết về Lê Khanh, đó sẽ là gì?
- Tôi còn chưa biết góc khuất đó là gì (cười).
Với một diễn viên, mà lại đẹp như chị, chắc phải có nhiều cám dỗ chứ?
- Diễn viên nữ đóng vai với diễn viên nam nào hợp nhau khán giả đều mong rằng đôi này đến với nhau. Mọi người thích gả cho tôi những chàng trai tôi đóng cùng. Ngày xưa khán giả thích gả tôi cho anh Chánh Tín, một anh nữa là anh Thương Tín. Phía bắc có anh Trần Vân, anh này có vẻ ngang tàn, phong trần, đẹp trai nên lại thích gả tôi cho Trần Vân. Rồi sau này có anh Mạnh Cường, Trần Lực...
Nhưng cuộc đời lại không cho tôi lấy những anh kia mà lấy một anh hội tụ tất cả những gì các anh kia có. Anh này thua tất cả các anh kia là giọng không trong trẻo bằng. Nhưng bù lại anh ấy chịu được tất cả những thói hư, tật xấu của tôi. Chỉ có chồng tôi mới nói được câu như thế này "cuộc sống vợ chồng không hiểu nhau khó lắm". Nhiều lúc chồng tôi trêu "các con, mẹ chuẩn bị vào nhân vật mới rồi đấy nhé, bố con mình chuẩn bị chăm nhau đi nhé".
Tôi rất rõ hai đời sống của mình, một đời sống nghệ thuật phần còn lại là đời sống dành cho gia đình. Chồng tôi hiểu được điều đấy. Sống trong gia đình phải hết mình với nhau.
Vậy điều gì thì cám dỗ được chị?
- Nghệ thuật là điều cám dỗ tôi nhất. Mối quan hệ giữa con người và con người là điều dễ cám dỗ nhất. Nhiều lúc tôi cũng ham mê tụ tập bạn bè ăn uống, phục vụ người khác vì có giúp việc nhưng nhiều lúc giúp việc cũng ốm chứ.
Trong môi trường quay phim nếu như không có sức khoẻ thì nghệ sỹ không thể theo được. Có khi make up từ 3h sáng hôm trước diễn đến 3h sáng hôm sau mới về. Một ngày của người nghệ sỹ rất nhiều trạng thái. Có khi đang cảnh trước cười, cảnh sau khóc, đập phá tan nát, cảnh sau lại tươi cười thì thần kinh nào mà chịu cho được. Đời sống nghệ sỹ của chúng tôi bất an như thế. Nếu không có một đời sống hồn nhiên vô tư thì không thể nào làm nghề được.
"Gót chân Asin" của Lê Khanh là gì?
- Có nhiều thứ tôi chưa vượt qua được chính mình ví dụ như học ngoại ngữ, nhiều lúc tôi rất xấu hổ. Hay như thiết kế quần áo đẹp, đang truyền thống nhưng bắt tôi phải phá cách mặc hiện đại tôi chưa thể làm được.
Tôi từng ao ước tôi trở thành nhà Toán học, tôi thích làm bác sĩ cứu được cho bao nhiêu người, tôi thèm có được những gì tôi chưa có được... Rất may tôi biết được tôi đang thiếu thứ gì. Chính vì mình thấy mình chưa hài lòng nên sẽ bù lại cái khác, có cái gì thì phát huy cái ấy.
Nhiều người nói rằng đạo diễn Phạm Việt Thanh tài hoa nhưng cũng rất khắt khe trong nghệ thuật, trong công việc. Ở nhà anh ấy có "khó tính" như vậy không?
- Trong đời sống chồng tôi khó tính gấp 10 lần. Chắc có điều gì đấy tôi chưa hoàn hảo nên anh ấy mới khó tính như vậy. Nếu tôi hoàn hảo rồi thì anh ấy không có cơ hội để khó.
Chồng tôi chia sẻ tất cả mọi thứ trong gia đình. Anh chăm con tốt hơn tôi, tôi đi vắng con cái bao giờ cũng được chăm lo chỉn chu, ngăn nắp, cứ mẹ về là phá luật. Bố mẹ già ở nhà cũng một tay chồng tôi lo hết. Trông vậy thôi chứ không dễ dàng đâu vì người đàn ông không quen phải lo chi tiết những việc nhỏ nhặt trong gia đình. Tóm lại anh ấy giúp tôi tất cả mọi việc, đúng nghĩa của một người đàn ông lo kinh tế, giúp tôi tỉnh táo hơn trong sự lựa chọn những dự án nghệ thuật. Ngoài đời tôi không biết gì thì anh lo hết.
Gia đình nhiều thế hệ của chị đều là những người làm nghệ thuật nổi tiếng. Sự kế thừa truyền thống đối với thế hệ sau trong gia đình chị như thế nào?
- Các cháu đều không theo nghiệp diễn của bố mẹ, có lẽ vì thấy nghề diễn vất vả quá. Các cháu muốn đi một con đường dễ dàng hơn. Tôi cũng vừa tiếc vừa mừng, tiếc vì cả gia đình theo nghệ thuật, cũng có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng cũng mừng là biết đâu các con lại có con đường khác hay hơn?
Một ngày thế nào thì được gọi là bình yên với chị?
- Sáng dậy tôi uống nước với chồng, sau đấy làm bữa ăn sáng cho ông, bà. Nhà tôi có 5 người thì 4 người ăn theo phong cách Anh, nên tôi phải dậy sớm để chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa. Sau đó đau đầu nghĩ xem hôm nay ăn gì, trong khi 3 bữa phải thay đổi phong cách… Ngày nào chồng tôi và mẹ tôi cũng khen tôi nấu ăn ngon nên tôi sướng quá, "ảo tưởng" mình nấu ngon thật, ngày hôm sau lại nấu lại đúng món đó (cười).
Thỉnh thoảng tôi thu xếp được, chồng "cấp visa" thì sẽ đi chơi, đi cà phê với bạn bè, tâm sự. Ngày nào với tôi cũng là ngày ý nghĩa, cũng có cái gì mới mẻ. Sướng nhất là mỗi sớm mai thức dậy tôi vẫn lái xe đi làm, tôi vẫn được đi chơi, đi đóng phim, đi dạy học, rong chơi… Tóm lại là cái gì mình vẫn đang sống và có thể làm.
Nếu được thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống, đó sẽ là gì?
- Tôi sẽ táo bạo, thử sức ở một lĩnh vực nào đấy mà tôi chưa từng thử đến. Bản thân tôi không ngại va chạm, thử sức thì sự tự tin sẽ đến dần dần, lúc đấy mình sẽ bớt sợ, bớt ngại.
Xin cảm ơn NSND Lê Khanh! Chúc chị đón một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc!
No comments: