Tìm chỗ đứng cho OTT Việt: Hiểu khán giả để 'hút' khán giả
Cảnh trong Cây táo nở hoa - bộ phim phát trên cả sóng truyền hình, nền tảng trực tuyến thu hút đông đảo khán giả trong năm 2021 - Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Nói riêng về mảng phim OTT nội địa, hiện tại nhiều nhà chuyên môn đang tranh cãi về việc "tiền kiểm" hay "hậu kiểm"... Theo quan điểm cá nhân tôi, quy định thế nào cũng được, nhưng phải áp dụng triệt để cho cả phim OTT nội địa và xuyên biên giới để tạo ra sự công bằng.
Phim OTT là gì?
Đây là câu hỏi của một bạn diễn viên trẻ đã hỏi tôi tại trường quay và bạn đang vào vai diễn của một loạt phim OTT độc quyền. Khỏi phải nói, chúng tôi khá "sốc" trước câu hỏi chân phương này. Bạn diễn viên đó chỉ nghĩ đơn giản là phim mình phát hành xong, rồi lên Google gõ tên phim để xem!
Ngay cả một người trong nghề còn mơ hồ về cách xem được phim "chiếu mạng" nào đó, thì khái niệm "phim OTT" có thể vẫn còn xa lạ với nhiều khán giả.
Thực tế nhiều khán giả sẽ mặc định khi xem phim sẽ có phim chiếu rạp, phim truyền hình, phim YouTube... Ngoài phim chiếu rạp, nhiều người hay nghĩ và xem theo thói quen vì không trả tiền… và "phim chiếu mạng" là phim miễn phí.
Không phải vì khán giả nào cũng cân nhắc vài chục đến trăm nghìn để được xem phim "mạng" chỉn chu, chất lượng, mà câu chuyện "OTT là phim gì?" ở đây chính là vấn đề định hướng, quảng bá của những nhà phát hành, giới truyền thông...
Chất lượng, nội dung và chiến lược quảng bá
Dù ấn tượng khi xem qua các sản phẩm phim OTT sắp được một nền tảng phát hành trong năm 2022 nhưng tôi vẫn hiểu rằng mảng phim OTT nội địa vẫn có trọn combo "gió lành, gió độc".
Hạn chế những "gió độc" phim nhảm, phim rác trên nền tảng OTT là câu chuyện sống còn không chỉ cho các nhà sản xuất phim, nhà phát hành phim, mà còn là chiến lược xóa bỏ dần tư duy "phim chiếu mạng", hay dở hên xui trong tâm thức nhiều khán giả, nhất là khi thị trường phim OTT đang nóng dần lên.
Muốn làm được điều này, nhà sản xuất, phát hành, phải thay đổi tư duy làm phim OTT. Chấp nhận đầu tư, ký hợp đồng sở hữu diễn viên phù hợp với tiêu chí, chấp nhận sản xuất những phim độc quyền cho kênh của mình, để có cơ hội mạnh tay nâng cao chất lượng sáng tạo, câu chuyện cho từng dự án.
Quảng bá phim OTT, kênh phát hành là câu chuyện khá quan trọng để thu hút sự chú ý của khán giả. Thực tế có khán giả chú ý một phim OTT nào đó nhưng lại không biết cách để xem. Vậy vấn đề ở đây, cách thức để xem được phim OTT vẫn còn là vùng "mơ hồ" trong tâm trí nhiều khán giả.
Có doanh nghiệp OTT hay quảng bá "phim độc quyền" - chuyện đó cũng tốt thôi. Nhưng nếu để mảng phim OTT này nhanh chóng phát triển hơn nữa, tại sao các doanh nghiệp không liên kết lại.
Ví dụ khi mỗi phim "độc quyền" nào đó đã phủ sóng đủ lâu, khi khán giả xem phim này trên kênh khác, nhà phát hành khác, lợi nhuận phim vẫn chia cho các bên, tất cả cùng thắng và khán giả càng thuận tiện!
Trả tiền xem phim, càng dễ càng thắng
Tôi từng thử mua thêm một kênh phim OTT và yêu cầu của kênh này phải thanh toán bằng ví điện tử, ngân hàng chỉ định, MoMo, mã QR… và tôi khá khó chịu.
Phim OTT thông thường thanh toán theo phim hoặc thuê bao theo tháng. Dù là kiểu gì, tôi chắc chắn hai điều: Một là phim dạng này không chỉ dành cho giới làm phim, người yêu phim xem, mà dành cho tất cả những ai muốn xem phim. "Mang phim vào tận phòng ngủ" là vậy. Hai là, phương thức thanh toán phải linh hoạt, 24/7.
Khi việc thanh toán dễ dàng sẽ là đôi cánh mạnh mẽ để phim OTT vượt trội lên tầm cao mới.
Tôi thấy nhiều người, nhiều doanh nghiệp luôn đau đáu việc phát triển mảng OTT. Thiết nghĩ, nếu mỗi người đều nhìn từ góc nhìn của người dùng, OTT hẳn sẽ có những sự thay đổi thiết thực hơn để gần với khán giả và có thêm cơ hội cất cánh.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt"
Loạt bài về OTT nội địa trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng OTT xuyên biên giới đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Làm sao để các nền tảng giải trí trực tuyến của Việt Nam, đặc biệt về lĩnh vực phim ảnh, có thể phát triển bền vững hơn, thu hút thêm khán giả là câu hỏi cần rất nhiều sự đóng góp ý kiến từ cả giới chuyên môn lẫn người xem. Vì thế Tuổi Trẻ tiếp tục mở ra diễn đàn "Tìm chỗ đứng cho OTT Việt".
Tham gia diễn đàn, ngoài những hiến kế, góp ý, bạn đọc có thể chia sẻ thêm những vấn đề còn băn khoăn, cần giải pháp hữu hiệu hơn trong việc quản lý các sản phẩm giải trí, phim ảnh chiếu trên các nền tảng OTT...
Bài diễn đàn bạn đọc gửi về email: vhvn@tuoitre.com.vn.
No comments: