5 phim Việt Nam được giới chuyên môn quốc tế khen ngợi khi "Bố già" bị chấm điểm thấp, chê bai
Rotten Tomatoes so sánh Maika: Cô bé từ trên trời rơi xuống (2021) với ET
Lấy cảm ứng từ nhân vật kinh điển Maika, từng quen thuộc với rất nhiều khán giả 7x, 8x trong bộ phim nổi tiếng của Tiệp Khắc. Bộ phim của đạo diễn Hàm Trần là câu chuyện thuần Việt kể về cuộc gặp gỡ của Hùng (Trường Phú), một cậu bé cô đơn và luôn buồn bã sau cái chết của người mẹ yêu quý và Maika (Chu Diệp Anh), cô bé từ hành tinh khác đến Trái đất.
Sau khi được trình chiếu tại Sundance với hình thức trực tuyến, Maika: Cô bé từ trên trời rơi xuống đã chinh phục được rất nhiều khán giả nước ngoài về diễn xuất, nội dung và phần hình ảnh trau chuốt. Bộ phim xuất sắc đạt số điểm 83% từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes.
Cây viết J Hurtado từ Cinencuentro khen ngợi: "Bối cảnh tuyệt đẹp, nhạc nền vui nhộn với cuộc phiêu lưu kỳ thú của người ngoài hành tinh khiến tác phẩm trở thành một sự khác biệt quyến rũ, điều rất cần cho ngày nay".
Cây viết tự do Rachel Wagner thậm chí còn liên tưởng Maika: Cô bé từ trên trời rơi xuống có nhiều nét tương đồng với E.T – bộ phim thiếu nhi kinh điển của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, với những đứa trẻ vô cùng đáng yêu.
Hai Phượng (2019): Ngô Thanh Vân được để ý cho John Wick
Bộ phim từng thu về đến 200 tỷ đồng của Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt được bạn bè quốc tế đánh giá khá cao về mặt hành động. Phim xoay quanh cuộc sống của nữ giang hồ Hai Phượng sau khi giải nghệ, bị vướng vào hành trình gian nan đầy máu và nước mắt để tìm lại con gái bị kẻ xấu bắt cóc. Hai Phượng mang về số điểm 95% ở Rotten Tomatoes, điểm khán giả đánh giá là 83%.
Sara Michelle Fetters – cây viết từ trang moviefreak.com cho đến 3/4 sao và đưa ra lời khẳng định: "Bộ phim hấp dẫn và dữ dội và nhà làm phim vẫn không quên tạo ra một nhân vật có nội tâm đa chiều, tính cách phức tạp, xứng đáng với tình cảm của khán giả".
Peter Martin từ ScreenAnarchy cũng có ý kiến tương tự: "Phim đầy ắp những cảnh hành động, nhưng những cảnh phim khác cũng đem lại kịch tính và yếu tố cảm động khiến câu chuyện thêm sức nặng".
Ngoài Rotten Tomatoes, báo chí Mỹ cũng dành những lời khen có cánh cho Hai Phượng, khi phim được công chiếu ở xứ cờ hoa vào tháng 3/2019. Cây viết Douglas Davidson của Elements of Madness sau khi xem xong Hai Phượng liền mong muốn Ngô Thanh Vân sẽ góp mặt trong bom tấn đình đám "John Wick".
Để mai tính (2010) được khán giả nhận xét là xóa nhòa ranh giới về văn hóa
Với dàn diễn viên thực lực gồm có Dustin Nguyễn, Kathy Uyên và Thái Hòa, bộ phim của đạo diễn Charlie Nguyễn là câu chuyện tình cảm hiện đại mang đậm nét lãng mạn, trong đó đan xen là các mạch cảm xúc, đắn đo, lựa chọn lối đi của những con người giữa đất Sài Thành. Trong đó, nhân vật Chị Hội của Thái Hóa được yêu mến và để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả.
Để mai tính không nhận được điểm đánh giá từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes, tuy nhiên điểm khán giả lại lên tới 87%. Nickname có tên là Michael S đánh giá phim hẳn 5 sao với lời nhận xét: "Thông thường người Mỹ thấy phim nước ngoài ngô nghê và không thể kết nối với những câu chuyện khá buồn cười vì sự khác biệt về văn hóa, nhưng bộ phim này vượt xa những điều đó và có thể được thưởng thức bởi tất cả mọi người".
Sau khi công chiếu ở Việt Nam vào tháng 9/2010, Để mai tính có dịp được ra mắt khán giả Mỹ tại cụm ở 6 thành phố lớn nhỏ, trong đó có thủ đô Washington DC, Atlanta hay Dallas… Trước Để mai tính, Charlie Nguyễn còn có một phim rất được lòng bạn bè quốc tế là Dòng máu anh hùng do Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân thủ vai chính.
Áo lụa Hà Đông (2006) được Rotten Tomatoes ca ngợi hết lời về sự chân thực và ý nghĩa nhân văn
Đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh đã vẽ nên một bức tranh đầy chân thực với bối cảnh năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang dần tiến tới hồi kết. Khi những người nông dân nổi dậy giết địa chủ, tiến tới lật đổ chính quyền bù nhìn.
Trong thời kỳ loạn lạc đó, đôi vợ chồng người hầu do Trương Ngọc Ánh và NSND Quốc Khánh thủ vai tất tả dắt díu nhau vào Nam, mong tìm được trốn bình yên để dung thân. Áo lụa Hà Đông năm đó đã giành được Cánh diều Vàng cho Phim truyện nhựa xuất sắc và còn được gửi đi dự thi giải thưởng Oscar.
Phim nhận về 79% điểm khán giả của Rotten Tomatoes cùng hơn 250 ý kiến đánh giá khác nhau. Nickname Norbert S ca ngợi phim hết lời: "Đây không chỉ là một câu chuyện về chiến tranh Việt Nam, cũng không phải là câu chuyện về một gia đình Việt Nam nghèo khó. Đó là một lời ca ngợi tuyệt vời dành cho tất cả phụ nữ Việt Nam về sự kiên cường, quyết tâm, thủy chung và nhiều vẻ đẹp khác của họ".
Về phía đánh giá từ giới phê bình, cây viết Eric D. Snider nhận định: "Phim mang đến cái nhìn về cuộc sống thực đằng sau những hình ảnh đã được chứng kiến trong chiến tranh Việt Nam, nó còn là lời nhắc nhở về tình yêu thương và tình người luôn tồn tại ngay cả trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất".
Chuyện tình xa xứ (2009) hợp gu khán giả nước ngoài
Phim nói về 2 hai người bạn cũng là hai thân phận trái ngược. Đầu tiên là Khang (Bình Minh) chàng công tử ăn chơi nhà giàu và Hiếu (Huy Khánh), chàng sinh viên nghèo vượt khó. Số phận và tính cách của họ bỗng dưng bị thay đổi bất ngờ khi cả hai cùng đi du học Mỹ.
Chuyện tình xa xứ là tác phẩm có đề tài tình cảm, lãng mạn khá chỉn chu, đem đến bài học nhẹ nhàng và thấm thía về tình yêu lẫn cách sống. Đặc biệt, bộ phim đầu tiên mang cái tên đạo diễn Victor Vũ đến gần hơn với khán giả Việt và hợp gu khán giả nước ngoài.
Nickname IrIrving D đưa ra nhận xét trên Rotten Tomatoes: "Phim duyên dáng đến ngạc nhiên, tôi cảm nhận được giá trị cốt lõi của cảm xúc, đây là bộ phim phải xem của bất kỳ Việt kiều nào".
Bên cạnh đó, tính cách lém lỉnh và hài hước của nhân vật Khang cực kỳ được lòng người dùng trang này và cũng nhiều người trong số đó thừa nhận đã xem bộ phim hơn 1 lần. Điều này đã góp phần giúp cho Chuyện tình xa xứ mang về doanh thu gần 180 ngàn USD khi được chiếu hạn chế ở một số rạp Mỹ. Sau này một phim khác của Victor Vũ là "Cô dâu đại chiến" (2011) cũng rất được lòng khán giả nơi đây.
Rotten Tomatoes là một trong những trang web tổng hợp các đánh giá lâu đời nhất về chương trình truyền hình và phim trên mạng Internet.
Lấy ý tưởng từ thời giải trí khi xưa, một bộ phim hoặc một vở kịch dở được công chiếu thường bị khán giả đáp cà chua thối hoặc rau củ quả hỏng lên sân khấu. Chính vì thế nên trang đánh giá phim này được đặt tên là Rotten Tomatoes (Cà chua thối).
Rotten Tomatoes có hai dạng đánh giá về các bộ phim. Một dạng đánh giá là của các nhà phê bình lớn có uy tín trên thế giới và một dạng giống như hệ thống đánh giá của IMDb.
Khi các bộ phim được công chiếu, Rotten Tomatoes sẽ mời các nhà phê bình phim ảnh trên thế giới cùng đánh giá về bộ phim đó. Số lượng của các nhà phê bình có thể lên tới mấy trăm người tùy vào mức độ hot và sức ảnh hưởng của bộ phim đó.
Đánh giá của các nhà phê bình được chia làm hai kiểu đánh giá. Một là Fresh có nghĩa là "tươi" đồng nghĩa với "hay" (một đánh giá trên 60% tốt thì sẽ được cho là Fress), hai là Rotten có nghĩa là "hỏng" đồng nghĩa với "dở" (một đánh giá trên 60% dở thì sẽ được cho là Rotten).
No comments: