Kể chuyện làng: Ngọt ngào mật mía Tết quê
Nhắc về Tết có người nhớ về bánh chưng với giây phút cả nhà quây quần trong chiếc chiếu hoa trải giữa nhà, cùng nói cười và gói những chiếc bánh vuông vức tượng trưng cho đất. Có người lại rưng rức về hương vị những món ăn chỉ có trong những ngày đầu năm mới mà bình thường chẳng được ăn trong những năm tháng nghèo khó thủa thiếu thời. Lại có người hoài niệm về cây nêu, mâm ngũ quả, về cành đào, cây mai… của những ngày xưa cũ.
Gần tháng Giêng chờ cho những tia nắng ló rạng, trời ngớt mưa sau những ngày xám xịt màu tro. Người làng tôi đổ xô ra những cánh đồng nhộn nhịp như đi trẩy hội. Tháng này, mía đã đến mùa thu hoạch sau một năm cần lao vất vả chăm nom của người nông dân. Người lớn vào mùa thu hoạch mía có mặt ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà.
Lũ trẻ con chúng tôi hễ không phải đến trường là nhảy tót ra những thửa ruộng để nô đùa. Mía trước khi chặt sẽ được tước bỏ bớt những chiếc lá khô trên thân cây. Trong khi người lớn hăng say làm việc thì mấy đứa trẻ nghịch ngợm tìm hang chuột trên những thửa ruộng mía đã được thu hoạch. Cả lũ gom những chiếc lá mía khô đốt lên để hun chuột chạy ra khỏi hang. Khói bay mờ đục cả một khoảng trời thôn quê, mắt đứa nào đứa nấy đỏ hoe, cay xè vì khói nhưng miệng vẫn toe toét khi bắt được mấy tên phá hoại mía đang kêu "chít chít" trên tay.
Mía thu hoạch được buộc thành bó và xếp thành đống ở bờ ruộng chờ chất lên xe trâu chở về nhà để làm mật. Làng tôi có truyền thống nấu mật mía lâu đời, hết mùa thu hoạch mía ngay tiếp theo đó sẽ là mùa nấu mật. Đến mùa này từ mọi ngóc ngách của làng tôi đều có thể ngửi thấy hương thơm tỏa ra từ những nồi mật mía đang lục bục sôi trên bếp củi rực lửa.
Mía mang về được rửa sơ qua cho hết bụi bẩn sau đó được đem đi ép nước. Ép nước là công đoạn cực nhọc nhất. Ngày ấy chẳng có những loại máy ép bằng điện như bây giờ, mọi thứ đều làm thủ công. Máy ép mía là hai phiến đá tròn gắn trục với một cây gỗ làm cánh tay đòn. Khi di chuyển cánh tay đòn, hai phiến đá sẽ chạy ngược chiều nhau, cây mía được cho vào giữa hai phiến đá ấy để nghiến chặt ép nước.
Nhà nào có trâu thì dùng trâu buộc vào tay đòn để trâu kéo còn không phải dùng hoàn toàn bằng sức người. Bố tôi đi làm xa, nhà chỉ có ba mẹ con ở nhà nên những mùa mật mía chỉ có mình mẹ cáng đáng mấy sào mía. Cuối Chạp, những năm giá rét lạnh buốt tay chân, nhưng mẹ chỉ mặc độc một chiếc áo cộc mồ hôi vã ra trên khuôn mặt mẹ đỏ bừng đẩy những vòng cối đá ép mía. Hình ảnh mẹ khi ấy cứ ám ảnh tôi mãi về sau, thương mẹ nhưng khi ấy sức trẻ con chẳng thể nhích nỗi phiến đá nặng.
Nước mía được ép xong sẽ mang đi nấu. Nấu nước mía rất công phu và tốn thời gian. Từ nước mía đến lúc nấu thành mật thành phẩm cần ít nhất hai giờ đồng hồ đun trên bếp lửa. Khi mía sôi người nấu phải canh để hớt bọt cho mật trong lại nếu để bọt trào ra ngoài mật sẽ bị đen. Vất vả là vậy nhưng khi nhìn nồi mật sóng sánh, mẹ con tôi ai cũng mừng vui.
Mẹ đổ mật ra một chiếc chậu nhôm to để cho mật nguội, hai anh em tôi chịu trách nhiệm đóng mật vào những cái can to để nhập cho người ta. Trong lúc đổ mật vào can thi thoảng anh em tôi lại thò tay quệt số mật không may rớt ra bên ngoài đưa lên miệng mút, vị mật ngòn ngọt, thơm thơm như kẹo từ từ tan ra trong miệng. Mật mía ở quê tôi vốn nổi tiếng khắp vùng vì độ ngọt đậm đà được dùng để nấu chè cúng trong ngày tiễn ông táo về trời hay chấm bánh chưng ngày tết đều ngon khó cưỡng.
Mật ngày đó bán rẻ lắm chỉ độ chưa đến chục nghìn một lít. Năm đó cầm hai trăm năm chục nghìn tiền bán mật mía trên tay mà mắt mẹ ướt nhẹp. Thấy anh em tôi mặt mũi lấm lem nhìn mình ngơ ngác mẹ cười nói "bay đốt chi mà khói cay xè mắt rứa". Tiền bán mật mía tuy ít ỏi nhưng cũng góp phần to lớn cho làng tôi một cái tết với đủ đầy bánh chưng, thịt lợn, kẹo mứt. Mấy đứa con nít chúng tôi có bộ quần áo mới để xúng xính mấy ngày Tết.
Ngày nay mía được nhà máy đường thu mua với số lượng lớn, nên nhiều nhà đã bỏ không còn làm mật mía nữa. Nhà nào còn làm mật thì cũng sử dụng các loại máy móc hiện đại đỡ vất vả hơn ngày xưa. Mẹ tôi bảo, mật mía bây giờ cũng được giá hơn ngày trước, người nấu mật nhờ đó có thêm nguồn thu nhập khá so với trồng lúa.
Mẹ đã thôi không còn nấu mật, nhưng vẫn để lại cái cối đá như một kỉ vật nhắc nhở chúng tôi về một thời gian khó. Những mùa mía đã qua nhưng hương vị mãi còn đó, để rồi mỗi độ Tết cận kề mỗi đứa con xa quê lại thao thiết nhớ vị ngọt chốn quê hương.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
No comments: