NSND Trần Nhượng: Trước "Bão ngầm", các phim "Cảnh sát hình sự" không được lòng người trong ngành
"Bão ngầm" khắc phục được những vấn đề nghiệp vụ của các phim Cảnh sát hình sự
NSND Trần Nhượng đã quá quen thuộc với khán giả qua những vai diễn ông trùm hay những vai phản diện trên màn ảnh. Cảm xúc của ông thế nào khi vào vai Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh Văn Hoạch trong "Bão ngầm"?
- Thật ra, tôi đã không ít lần vào vai chính diện, nhưng chủ yếu là trên sân khấu hay một số ít bộ phim về trước. Nói ra thì buồn cười, nhưng các đạo diễn vẫn hay nói với nhau rằng, những vai kiểu như trùm ma túy, hay lãnh đạo biến chất tham ô, cứ giao cho ông Nhượng là nhanh nhất (cười).
Với vai Thiếu tướng - Giám đốc Công an tỉnh Văn Hoạch, tôi cảm thấy vô cùng hào hứng khi có cơ hội được thay mới hình ảnh trong mắt khán giả. Tôi cũng không muốn mình diễn mãi một màu nhân vật. Tôi luôn quan niệm, mỗi khi trở lại màn ảnh, đều phải là một vai diễn không trùng lặp để khán giả ấn tượng.
Tính cách nào của nhân vật khiến ông tâm đắc khi thể hiện nhất?
- Để nói về ông Hoạch này, chỉ có một chữ thôi, đó là rất "đời". Văn Hoạch có thể nóng tính, quyết liệt và không bao giờ biết nhân nhượng với tội phạm. Nhưng bên trong ông là một trái tim giàu tình cảm, cũng biết đau đớn và xót xa khi chứng kiến những người đồng đội của mình mắc sai lầm. Mặt mũi lúc nào cũng cau có, khó chịu, vậy mà đôi lúc khán giả sẽ chứng kiến ông ta rơi lệ.
Theo ông, "Bão ngầm" có điểm gì khác biệt so với những phim trong series "Cảnh sát hình sự" trước đây?
- Theo tôi, đây là một bộ phim rất là "thật", từ câu chuyện, tình huống, tới diễn xuất, chúng tôi đều muốn gửi tới cho khán giả một câu chuyện chân thật về cuộc chiến khốc liệt của các chiến sĩ công an chống tội phạm.
Hơn thế nữa, tác giả kịch bản còn là người trong ngành, từng đối đầu với không ít hiểm nguy, lao mình vào các hang ổ ma túy. Nay tôi còn được biết ông ấy đã trở thành một chuyên gia về tâm lý tội phạm.
Trước giờ, khán giả được xem không ít phim "Cảnh sát hình sự" nhưng rất nhiều phim trong số đó không được lòng người trong ngành. Họ cho rằng, tình tiết và nhân vật trong phim thiếu logic, một số quy định hay thao tác nghiệm vụ còn không đúng. Tôi tin rằng "Bão ngầm" sẽ là bộ phim khắc phục tốt những điều đó.
Nhiều khán giả có thể sẽ chưa quen ngay với câu chuyện của "Bão ngầm"
Một số khán giả cho rằng, bộ phim hơi bạo lực, liệu đó có phải là chất liệu thực tế không, hay chỉ là tình tiết để thêm vào cho hấp dẫn?
- Mỗi một bộ phim sẽ có một đề tài khác nhau, với một bộ phim đầy kịch tính nói về công tác chống tội phạm ma túy như "Bão ngầm", những chi tiết có phần bạo lực hay đẫm máu là điều không thể tránh khỏi.
Ở ngoài đời, thông qua các phương tiện truyền thông, chúng ta cũng đều biết thủ đoạn của bọn tội phạm hiện nay ra sao, không ít trong số chúng có những hành vi đầy manh động, dã man với tính mạng của con người, coi thường luật pháp, gây ra những tội ác vô cùng đau thương.
Tôi cũng biết rằng, nhiều khán giả vốn đang quen với dòng phim tình cảm nhẹ nhàng, hay đậm nét gia đình có thể sẽ chưa thể quen ngay khi thưởng thức "Bão ngầm".
Đối lập với nhân vật của ông trong phim là NSƯT Tạ Minh Thảo, hai người đã bàn bạc với nhau ra sao để các màn đối đấu của hai nhân vật trong "Bão ngầm" có thêm nhiều điểm nhấn?
- Nếu vai của tôi là Thiếu tướng - Giám đốc Công an tỉnh thì vai của anh Thảo là ông trùm tội phạm đội lốt chủ doanh nghiệp. Mục đích và lý tưởng khác nhau của hai nhân vật này là một trong những điểm hấp dẫn nhất của bộ phim.
Tuy nhiên trong phim, tôi và Thảo lại không có nhiều lần chạm mặt nhau, gần cuối thì mới có. Ở ngoài đời, hai anh em là những người bạn thân thiết. Thảo đối với tôi luôn là nghệ sĩ tài năng và nhiệt huyết đối với nghề, luôn biết khai thác nhân vật của mình một cách có chiều sâu.
Ông đánh giá sao về những diễn viên hậu bối như Cao Thái Hà hay Hà Việt Dũng khi cùng với họ làm nên "Bão ngầm"?
- Với tư cách là những người đi trước nhưng quả thực, chúng tôi nhiều khi còn không bằng các bạn trẻ. Lớp trẻ hiện nay được tiếp cận nhiều thứ mới mẻ hơn. Cao Thái Hà hay Hà Việt Dũng đều là những diễn viên thông minh, các bạn ấy có thể vào vai một cách thoải mái. Đạo diễn Đinh Thái Thụy đã rất tài năng khi hoàn toàn biết cách dung hòa lớp diễn viên già và trẻ, để tạo nên một bức tranh tổng thể hài hòa cho bộ phim.
Quá trình quay "Bão ngầm" là một chuỗi ngày dài đầy vất vả và gian nan, vậy có kỷ niệm nào mà ông không thể nào quên?
- Trong quá trình quay phim, tôi bị chứng thoát bị đĩa đệm hành hạ liên miên, đôi khi rất khó để đi lại huống chi là leo trèo rừng núi. Tôi nhớ có một cảnh quay ở Đắk Nông, khi đó rất đông người, đang quay thì tôi bị tê chân, khuỵu cả người xuống. Đoàn phim chứng kiến bắt đầu hoảng hốt, tưởng tôi bị đột quỵ. May mắn lúc đó, tôi được mọi người giúp đỡ, ngồi nghỉ một lúc sau đó lại tiếp tục công việc.
Rồi có những hôm trời mưa tầm tã, chờ mãi không ngớt mưa để còn quay cảnh đêm, cuối cùng 6 giờ sáng mới hết mưa, anh em chúng tôi lại phải vất vả đi bộ mấy chục cây số về chỗ ở. Dù vậy, chúng tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của đoàn cảnh sát cơ động khu vực, cần bao nhiêu người, họ tiếp ứng bấy nhiêu, rồi anh em cũng không ngần ngại ở bên chúng tôi để trải qua mưa to gió lớn. Những kỷ niệm như vậy tôi sẽ không bao giờ quên!
Xin cảm ơn NSND Trần Nhượng đã chia sẻ!
NSND Trần Nhượng sinh năm 1952, ông là diễn viên, đạo diễn, Đại tá Công an nhân dân Việt Nam. Ông được khán giả biết đến qua các bộ phim "Vệt sáng ngược", "Ai giận ai thương", "Đêm hội Long Trì", "Khát chữ", "Chủ tịch tỉnh", "Khi đàn chim trở về", "Cảnh sát hình sự"… Ông từng công tác tại Đoàn ca múa nhạc Hải Hưng và Đoàn kịch Công an Nhân dân. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2015.
No comments: