Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh bật khóc khi nhìn thấy bóng dáng mẹ trên sân khấu
Chiều 6/7, Nhà hát Tuổi trẻ đã ra mắt vở nhạc kịch "Sóng" lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời thực của nữ thi sĩ tài hoa Xuân Quỳnh do NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ làm Tổng đạo diễn, Kim Thùy viết kịch bản, Nguyễn Triều Dương đạo diễn nhạc kịch, Đào Duy Anh đạo diễn sân khấu.
Đây là vở diễn nhạc kịch thuần Việt bởi ekip sáng tạo 100% là người Việt. Ca khúc Thuyền và biển là chủ đề chính xuyên suốt vở nhạc kịch. 10 bài thơ của Xuân Quỳnh được "âm nhạc hóa" như: Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Mắt của trời xanh, Nhà chật... để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh.
Có mặt trong buổi họp báo, anh Lưu Tuấn Anh - con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh và nghệ sĩ violon Lưu Tuấn đã không cầm nổi nước mắt khi xem một trích đoạn trong vở nhạc kịch. Trích đoạn đó tái hiện lại biến cố hôn nhân của nữ sĩ Xuân Quỳnh với người chồng đầu và cuộc gặp gỡ định mệnh với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Lưu Tuấn Anh bộc bạch: "Khi biết vở nhạc kịch Sóng, tôi đã rất ngỡ ngàng. Tôi biết nhạc kịch rất khó làm và khi gặp chị Cao Ngọc Ánh với tâm thế hoài nghi "không biết có thể làm được dự án trong thời điểm này không?". Thêm vào đó, tôi không muốn chuyện gia đình liên quan tới bố mẹ tôi lại thành câu chuyện của công chúng, quá nhiều người biết. Tôi có yêu cầu chị Cao Ngọc Ánh gửi kịch bản xem cái gì cần đưa lên và cái gì không.
Khi xem kịch bản tôi thấy rất bất ngờ vì câu chuyện chân thực, có nhắc nhiều tới bố tôi - nghệ sĩ violon Lưu Tuấn, được thể hiện qua nhân vật khoa.
Nhận ra "ý đồ" rất đẹp, câu chuyện có hậu, nhân văn và sâu sắc, tôi bắt đầu có thiện cảm với dự án nhưng vẫn hoài nghi vì khó lắm. Không hiểu nhạc kịch về cuộc đời sẽ như thế nào.
Cho tới khi được xem một số cảnh trong vở nhạc kịch, ê-kíp có hỏi tôi nhiều chi tiết về cuộc đời của mẹ tôi, lấy cảm xúc đưa vào vở. Tôi thấy toàn bộ quá trình các bạn làm việc vô cùng nghiêm túc, chuyên nghiệp và tôi thấy tinh thần đó đáng trân trọng.
Lúc xem nhiều trích đoạn hơn thì tôi xúc động và bật khóc. Vở nhạc kịch tốt hơn tôi tưởng rất nhiều. Dễ xem và sâu sắc. Tôi xúc động thì đương nhiên vì được xem nhạc kịch về mẹ là người tôi yêu quý nhất đời. Điều đáng quý hơn là các bạn diễn viên cũng khóc, nghĩa là họ phải hoá thân rất sâu, phải đặt trái tim của mình để cảm nhân vật và kể câu chuyện thời bạn chưa sinh ra… mà các bạn cảm động, khóc và cảm thấy mình như là nhân vật. Điều đó vô cùng đáng quý.
Tôi có niềm tin về sự chuyên nghiệp đó, về quyết tâm sắt đá của chị Cao Ngọc Ánh bất chấp mọi khó khăn để hoàn thành. Tôi nhận thấy tình cảm của ê-kíp từ nhạc sĩ, biên đạo… rất sâu. Tôi rất ưng phần âm nhạc.
Xem xong tôi ôm chị Cao Ngọc Ánh vì cảm động và chúc mừng chị Ánh vì tôi tin vở diễn có cơ sở thành công. Khó khăn vẫn chưa qua, dịch bệnh vẫn phức tạp, nhưng tôi tin và sẵn sàng làm điều gì, giúp vở diễn thành công".
PGS. TS Lưu Khánh Thơ – em gái của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cũng tâm sự rằng: "Cho đến bây giờ, dù Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã đi xa nhưng vẫn có một vị trí đặc biệt trong làng văn hóa văn nghệ nước ta. Xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của anh chị tôi có rất nhiều bài viết, chương trình, công trình nghiên cứu và hội thảo. Nhưng đây là lần đầu tiên được tái hiện trên nhạc kịch – một hình thức sân khấu rất mới mẻ. Tôi nghĩ đây là một điều rất đặc biệt và cảm động.
Tôi nghĩ, ê-kíp thực hiện nhạc kịch Sóng đã chọn con đường mạo hiểm khi không chọn những vở kinh điển được thử thách qua thời gian, được công chúng kiểm nghiệm rồi mà lại chọn một "vùng đất hoang" là ghép nối thơ với đời của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ.
Dù vậy, bên cạnh khó khăn, tôi cũng cho là vở nhạc kịch có những thuận lợi nhất định khi thơ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ đã hằn sâu trong tâm thức của nhiều người. Bài Sóng được đưa vào sách giáo khoa, những trích đoạn trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng được đưa vào sách giáo khoa… Việc đưa thơ của anh chị tôi lên nhạc kịch Sóng lại một lần nữa giúp khán giả được sống trong không gian thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.
Tôi nghĩ là việc đưa thơ và đời của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ lên sân khấu nhạc kịch sẽ vừa là sự sáng tạo mới mẻ nhưng cũng sẽ đầy áp lực. Tôi chúc vở diễn thành công, tìm đường ra biển lớn, không chỉ với khán giả Việt Nam mà còn có thể giao lưu và hội nhập quốc tế".
Chắt lọc thơ Xuân Quỳnh để gửi gắm nhiều thông điệp trong nhạc kịch Sóng
Nhà hát Tuổi trẻ đặt mục tiêu xây dựng Sóng là vở nhạc kịch thuần Việt mang tính thời đại với ê-kíp thực hiện cũng như cốt truyện đậm chất Việt. Đơn vị cũng hy vọng sẽ đặt nền móng chuyên nghiệp hóa nhạc kịch nước nhà bằng việc hình thành quy trình, tiêu chuẩn và trực tiếp sản xuất và dàn dựng một chương trình nhạc kịch thuần Việt Nam.
Đóng chính trong vở nhạc kịch Sóng là diễn viên trẻ Thu Thảo (SN 2001) vai Xuân Quỳnh và ca sĩ Lê Việt Anh vai Đăng Dương (nguyên mẫu Lưu Quang Vũ).
Dàn diễn viên trẻ, đầy nhiệt huyết, luôn tràn đầy năng lượng, nỗ lực không ngừng, hứa hẹn sẽ góp sức để nhạc kịch Sóng ghi dấu ấn khó quên trong lòng khán giả. Sóng dự kiến công diễn buổi đầu tiên ngày 18/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
NSƯT Cao Ngọc Ánh – Tổng đạo diễn vở nhạc kịch Sóng chia sẻ, vở sản xuất với quy trình đồng bộ, từng khâu casting, đào tạo, tập luyện. Trong quá trình dựng vở, ê-kíp phải đối diện với 3 lần giãn cách xã hội, 1 lần đỉnh dịch. Có những lúc chị muốn dừng lại vì gặp quá nhiều khó khăn.
"Sau tất cả, tôi nhìn thấy sự đam mê, cống hiến của các em diễn viên. Chúng tôi tổ chức dạy và học online, tập luyện miệt mài từ hát, diễn xuất... Chưa có ngày nào chúng tôi được tập hoàn toàn 100% diễn viên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, vậy mà chúng tôi đã vượt qua những khó khăn", Tổng đạo diễn Sóng bày tỏ.
Theo chia sẻ của nhạc sĩ Minh Đạo: "Chúng tôi muốn qua những bài thơ của Xuân Quỳnh để tái hiện một giai đoạn rất khó khăn nhưng mang lại rất nhiều giá trị và tạo thành động lực để nhiều người lớn lên trong giai đoạn đó trưởng thành và thành công, trở thành những người trụ cột cho đất nước bây giờ".
Nhạc sĩ Minh Đạo cho rằng, với anh, mỗi dự án đều là một thách thức không hề đơn giản, phải thật tập trung mới có thể giải quyết. Anh chia sẻ: "Với nhạc kịch Sóng, có hai phần nhạc khí và ca khúc. Với ca khúc thì lời là chất liệu văn học - những bài thơ Xuân Quỳnh, có sự thuận lợi nhất định khi viết nhạc.
Biên kịch Kim Thùy đã chọn những bài thơ phù hợp với mạch của vở kịch để chúng tôi chuyển thành âm nhạc. Có những bài chúng tôi giữ nguyên bản gốc, chẳng hạn như bài Con yêu mẹ, lời thơ rất hay rồi, tôi không can thiệp, chỉ điệp lại câu thơ ở những cung bậc, giai điệu khác nhau để tăng chiều sâu cho ý thơ và cũng là phát triển âm nhạc hơn.
Có những số nhạc phức tạp diễn tả nhiều trạng thái cảm xúc khi Quỳnh chia tay Khoa (người chồng đầu tiên), hoặc Quỳnh đến với Dương (Lưu Quang Vũ) rất phức tạp, chúng tôi phải chọn từ rất nhiều bài thơ, chắt lọc, chọn những đoạn kết hợp với nhạc để vang lên đem lại hiệu quả tốt nhất, nhưng không làm thay đổi thông điệp của bài thơ. Tiêu chí của tôi khi làm là đảm bảo sự phát triển của âm nhạc, giai điệu phải đẹp, ca sĩ hát phải thích thú".
"Chơi live rất khó, hơn 20 nhạc công cần phối hợp với nhau, phối hợp với mạch nhạc kịch, thậm chí phải căn cứ theo cảm xúc từng buổi diễn, theo cảm xúc khán giả, diễn viên, chỗ nào nhấn nghỉ lâu hơn, chỗ nào chạy nhanh... tương đối phức tạp. Khó nhưng cũng chính là cái hay của chơi live vì có sự tương tác, giữa người chơi nhạc, diễn viên và khán giả với nhau, tạo năng lượng chỉ có những buổi trình diễn live mới có được. Mỗi đề bài khó thường mang cho mình những điều thú vị hơn, hay hơn, sáng tạo hơn" - nhạc sĩ Minh Đạo cho biết thêm.
No comments: