Ra mắt phim tài liệu 'Cuộc đời phi thường của Alexandre Yersin (1863-1943)'
Phim tài liệu “Cuộc đời phi thường của Alexandre Yersin (1863-1943)” - Ảnh: D.LIỄU chụp màn hình
Ngày 1-3, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) phối hợp cùng một số đại sứ quán, viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam giới thiệu phim tài liệu Cuộc đời phi thường của Alexandre Yersin (1863-1943).
Bộ phim ra mắt với mong muốn truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y tế và phát triển.
Bộ phim dài hơn 11 phút, với phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt do đạo diễn Stéphane Kleeb thực hiện. Những thước phim khắc họa lại một số thành tựu trong sự nghiệp của bác sĩ Alexandre Yersin tại Việt Nam và thảo luận một số bài học kinh nghiệm đúc rút từ những nghiên cứu liên ngành và công việc của ông phục vụ cộng đồng bản xứ.
Bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) là một bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sĩ, đã dành phần lớn cuộc đời làm việc tại Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà vi khuẩn học, một thương nhân trong lĩnh vực y tế công cộng. Ông đã có những đóng góp to lớn và trong vai trò là một bác sĩ, ông được người dân Việt Nam yêu quý, mến mộ.
Bác sĩ Alexandre Yersin được nhớ đến nhiều nhất trong cộng đồng y tế ngày nay là người phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis).
Ông cũng là người thành lập trường y khoa đầu tiên của Đông Dương, hiện là Trường đại học Y Hà Nội vào năm 1902. Tại đây, ông đảm nhận vai trò hiệu trưởng trong hai năm đầu tiên.
Trong số những thành tựu mà bác sĩ Yersin đạt được phải kể đến việc ông thành lập các công ty sản xuất kháng huyết thanh bệnh dịch hạch ở Ấn Độ và Việt Nam. Ông là người nhập giống cây canh ki na và trồng để sử dụng tại Việt Nam, mở đồn điền trồng cây cao su và xuất khẩu.
Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông đã khám phá ra vùng đất mới, sau này trở thành một điểm dừng chân yêu thích của người Pháp tại Việt Nam, có khí hậu gần giống như châu Âu, đó là Đà Lạt ngày nay. Tại thành phố Đà Lạt, có một công viên mang tên ông - công viên Yersin.
Phim tài liệu 'Cuộc đời phi thường của Alexandre Yersin (1863-1943)'
No comments: