Chế Linh: “Trên sân khấu, tôi hôn bạn diễn trẻ đẹp hơn vợ, vợ ngồi dưới cũng thấy bình thường”
Sau 3 năm giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, danh ca Chế Linh mới có cơ hội trở lại quê hương để gặp nói chuyện và hát cho khán giả thân yêu, những người mà ông "nhớ rất nhiều". Đây cũng chính là dịp danh ca đặc biệt kỷ niệm 80 năm cuộc đời, 60 năm ca hát của mình. Với thành công trong đêm nhạc đầu tiên tại Hà Nội mang tên "Bài ca kỷ niệm" hồi tháng 9/2022, danh ca cảm thấy mình vô cùng may mắn vì nhận được tình yêu thương của khán giả quê nhà, cảm xúc đứng trên sân khấu nghe tiếng khán giả hò hét tên mình với ông thật khó tả, vừa hạnh phúc, vừa bùi ngùi.
Danh ca Chế Linh trẻ trung và phong độ ở tuổi 80. Ảnh: Bình Quách.
Danh ca nói: "Tôi cảm ơn cuộc đời vì đã cho mình sức khoẻ để trở về quê hương, để được hát cho khán giả của mình. Tôi đã có buổi hát đầu tiên tại Hà Nội đầy ắp khán giả yêu thương".
Ở tuổi 80, ông càng thấm thía hai tiếng quê hương, bởi vì, với một người xa xứ mấy chục năm như Chế Linh, quê hương ôm chứa biết bao kỷ niệm. Có cơ hội đi dọc khắp đất nước, trong đó có mảnh đất dân tộc Chăm của ông sinh sống, từ Quy Nhơn đến Phan Rang, Phan Thiết… với Chế Linh là dịp đi tìm lại những ký ức, kết nối những yêu thương giữa Chế Linh với khán giả.
"Quê hương, khán giả cho tôi nhiều lắm. Vì thế tôi luôn ao ước được trở về, đứng trên quê hương hát và cống hiến cho khán giả, cho quê hương giọng hát của mình. Ngoài ra, tôi mong muốn làm các chương trình từ thiện. Đồng thời, là cầu nối với các bạn trẻ để họ có thể làm những việc chúng tôi chưa kịp làm. Văn hoá nghệ thuật tạo được sự mềm mại, kết nối giữa con người với con người. Tôi hy vọng mình là gạch nối tình thương yêu. May mắn, khán giả đã cho tôi một chỗ đứng trang trọng trong lòng họ. Mong rằng, các ca sĩ sau này cũng nghĩ như tôi", Chế Linh nói thêm.
Vợ danh ca Chế Linh mỉm cười khi nghe chồng chia sẻ chuyện riêng tư. Ảnh: Bình Quách.
Chế Linh bày tỏ rằng, nhiều năm qua ông hát rất nhiều ca khúc nhạc tình buồn. Tuy nhiên, ông cảm thấy ái ngại khi ở tuổi "bát thập lai hy" vẫn cứ hát yêu đương nhưng vì khán giả nên phải ép mình trẻ và hát.
"Nhiều người bảo, tôi không phải là người bình thường nên tuổi này mới chạy và hát như thế. Tôi nghĩ nghệ sỹ như chúng tôi là thợ may, để nối lại những yêu thương, xoá nhoà những vết thương lòng. Rồi từ âm nhạc, sẽ thấy lòng dịu đi nhiều", Chế Linh bày tỏ.
Hỏi Chế Linh rằng hát nhạc tình nhiều như thế vợ có ghen không, nam danh ca cho biết: "Nếu ghen chắc tôi bỏ vợ lâu rồi. Lấy chồng nghệ sỹ phải hiểu và tin chồng. Trên sân khấu, tôi hát và hôn bạn diễn trẻ đẹp hơn vợ dù vợ đang ngồi phía dưới cũng cảm thấy bình thường. Vì đó là nghệ thuật thuần tuý và không có gì hơn nên không có gì phải sợ, phải ngại. Tôi cũng có một nỗi oan, người ta cứ bảo tôi nhiều vợ. Nhưng có nhiều nghệ sỹ nhiều vợ hơn tôi mà do họ kín đáo nên không bị nói. Nói về tôi như vậy, tội nghiệp cho tôi dữ lắm".
Chế Linh bày tỏ, ông thấy ái ngại khi ở tuổi này vẫn phải hát nhạc tình yêu. Ảnh: Bình Quách.
Chia sẻ về việc hiếm khi hát những bài nhạc vui, Chế Linh tâm sự: "Trên thế giới này, từ tiểu thuyết, kịch, phim nổi tiếng đều có nỗi buồn trong đó. Tôi chủ trương hát nhạc buồn và nó đã trở thành phong cách của tôi. Nhắc đến Chế Linh là nhắc đến nỗi buồn. Tôi nghĩ, từ âm nhạc cuả tôi, hy vọng khán thính giả nghe sẽ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Đối diện với sự sâu lắng của nỗi buồn, người ta sẽ vui lên.
Và không chỉ có hát, tôi viết nhạc cũng viết về nỗi buồn. Tuổi này tôi vẫn viết những ca khúc tình tự, lãng mạn. Sắp tới, tôi sẽ hát cùng Hương Lan một sáng tác mới của mình cũng với nỗi buồn ấy".
Chế Linh lần đầu kể kỷ niệm với ca khúc "Thành phố buồn"
Vào ngày 15/10 tới đây, Chế Linh sẽ có đêm nhạc đặc biệt tại Mây Lang Thang, Đà Lạt. Trong tour diễn này, ca khúc "Thành phố buồn sẽ được Chế Linh thể hiện lại. Tác phẩm ra đời năm 1970, lúc nhạc sĩ theo đoàn văn công Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Giữa khung cảnh thành phố bảng lảng khói sương, ông tức cảnh sinh tình sáng tác. Cố nhạc sĩ lồng ghép câu chuyện về một đôi tình nhân không đến được với nhau, khiến nhiều người từng lầm tưởng đó là chuyện tình thật của ông.
"Thành phố buồn" của Lam Phương được Đài Phát thanh Đà Lạt phát sóng đầu tiên, sau đó lan tỏa khắp miền Nam. Trong sách "Lam Phương- Trăm nhớ ngàn thương" do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút theo tài liệu của gia đình, hồi đó, ông nhận khoảng 12 triệu đồng tác quyền (tương đương 432.000 USD). Năm 1971, vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương mua căn biệt thự gần 300 mét vuông ở số 42 đường Nguyễn Lâm, quận 10, Sài Gòn. Ngôi nhà này giờ là tài sản của người thân gia đình nhạc sĩ Lam Phương.
"Thành phố buồn" do Chế Linh thể hiện. Ảnh: Bình Quách.
"Thành phố buồn" không chỉ phổ biến trên đài phát thanh mà còn lan tỏa nhờ kịch nói. Thời đó mỗi tối thứ năm, Đài Truyền hình Sài Gòn có tiết mục thoại kịch và những vở của Ban Kịch Sống Túy Hồng bao giờ cũng thu hút người xem. Người ta kéo nhau tới những nhà có tivi, đứng kín trong nhà, cửa ra vào và cả cửa sổ để xem kịch. Ngay sau đêm vở "Phi vụ cuối cùng" phát sóng với ca khúc "Thành phồ buồn" vang lên xuyên suốt, người dân lùng sục tờ in bài hát. Chàng học sinh, sinh viên nào cũng muốn có tờ bài nhạc "Thành phố buồn" để trên kệ sách, theo tác giả kịch Thanh Thủy.
"Thành phố buồn" đại chúng đến mức có thể người nghe không biết tên tác giả nhưng chỉ cần nghe đoạn nhạc dạo là nhận ra ca khúc. Bài hát gắn với Chế Linh - một trong "tứ đại danh ca Sài Gòn" cùng với Nhật Trường (Trần Thiện Thanh), Duy Khánh và Hùng Cường.
Theo danh ca Chế Linh, ngày xưa các nhạc sỹ vất vả lắm. Nếu chỉ bán bài hát thì nhiều khi không đủ ăn. Sau này, ông nói các nhạc sỹ in nhạc ra bán sẽ có thu nhập tốt hơn. Nghe lời Chế Linh, lúc đó nhiều nhạc sỹ như: Lam Phương, Trúc Phương, Duy Khánh bán được 100 nghìn/bài khi in ra. Một số nhạc sỹ khác như: Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nhật Ngân, Trịnh Lâm Ngân bán được 50 nghìn đến 30 nghìn/bài.
"Bài "Thành phố buồn" Lam Phương viết dành riêng cho Chế Linh, muốn sửa thế nào cũng được. Lúc đầu, Lam Phương in 100 nghìn tờ bài "Thành phố buồn", lúc ấy cũng là nhiều lắm rồi. Chế Linh lúc ấy muốn bài hát nổi, hát thu âm, hát trên đài phát thanh. Rồi anh Lam Phương in nhiều nữa, mua được biệt thự và ô tô. Để có thành công này là cơ duyên giữa anh Lam Phương và Chế Linh. Sau này, anh Lam Phương đổ bệnh, khán giả hỏi hoài, tôi mới viết "Thành phố buồn 2". Lần này, đi hát ở Đà Lạt, với âm hưởng từ bài hát "Thành phố buồn", tôi mong muốn bà con, khán giả sẽ hưởng ứng".
Danh ca Chế Linh tên thật là Jamlen (Trà – len), là người gốc Chăm và có tên tiếng Việt là Lưu Văn Liên, sinh năm 1942 tại làng Hữu Đức, một làng Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.
Chế Linh được xem là một huyền thoại của dòng nhạc vàng, trữ tình, một trong những ca sĩ đầu tiên hát nhạc vàng phổ thông thịnh hành và được yêu thích cho đến ngày nay. Ông bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1960, sau đó cùng với các ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh, Hùng Cường và Nhật Trường được xưng tụng là "tứ trụ nhạc vàng". Ngoài ca hát, ông còn sáng tác với hai bút danh là Tú Nhi và Lưu Trần Lê. Những sáng tác của ông cũng được khán giả đặc biệt yêu thích như Đoạn buồn cho tôi, Xin làm người xa lạ, Đoạn cuối tình yêu, Mai lỡ mình xa nhau….
Hiện nay, ở tuổi tròn 80, Chế Linh vẫn là giọng hát được yêu mến và trở thành một trong những ca sĩ lớn tuổi nhất thế giới vẫn còn hoạt động văn nghệ ở thời điểm hiện tại. Để giữ được giọng hát trong thời gian suốt 60 năm qua như vậy, Chế Linh đã tự đặt ra những nguyên tắc khắt khe cho chính mình.
Ông chia sẻ: "Ông trời phú cho mình giọng hát thì mình phải luôn giữ giọng và tập luyện thường xuyên. Việc một ngày tôi luyện thanh hát từ 10 tới 20 bài là bình thường. Cơm có thể ăn bớt một chút nhưng việc tập thể thao và luyện giọng thì ngày nào tôi cũng phải làm". Ngoài ra, danh ca Chế Linh cũng là người rất nghiêm túc và có bản lĩnh trong nghệ thuật. Ông là ca sĩ hiếm hoi nói không với hát nhép trong suốt sự nghiệp của mình.
http://dlvr.it/SZpZSX
http://dlvr.it/SZpZSX
No comments: