Ca sĩ nhạc đỏ Quốc Hưng hát tình ca thời sinh viên nhạc viện bị thầy cô ‘cấm’ hát
NSND Quốc Hưng trong buổi ra mắt album Gửi dĩ vãng - Ảnh:T.ĐIỂU
CD và video album Gửi dĩ vãng Quốc Hưng ra mắt chiều 8-12 gây ngạc nhiên, tò mò cho báo giới và công chúng yêu nhạc khi giọng ca opera và nhạc đỏ hàng đầu, gương mặt quen trong các chương trình hòa nhạc lớn ở Hà Nội, TP.HCM nhiều năm qua, cuối cùng cũng hòa vào xu hướng "người người hát nhạc xưa" mấy năm qua.
Thực ra trước khi học tập tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Quốc Hưng đã có giai đoạn dài đi hát tại những tụ điểm, quán cà phê ca nhạc ở Hà Nội. Người yêu nhạc Hà Nội thời đó hẳn còn nhớ giọng hát trầm ấm và truyền cảm của Quốc Hưng với những ca khúc nhạc xưa như Nỗi lòng người đi (Anh Bằng), Lệ đá (Trần Trịnh), Tuyết rơi (nhạc Pháp)...
Nhưng khi trở thành sinh viên thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội thì cũng như các sinh viên khác trong khoa, ông được các thầy cô nhắc nhở không ra ngoài hát "bừa bãi" sẽ phá kỹ thuật thanh nhạc được học trong nhà trường.
"Các thầy không cấm nhưng không muốn cho chúng tôi đi hát những bài nhạc xưa này. Chúng tôi chỉ được học hát thính phòng và cổ điển, các aria, romance, bài hát nhạc đỏ, tác phẩm kinh điển của Việt Nam như Những thành phố bên bờ biển cả (nhạc: Phạm Đình Sáu, thơ: Huy Cận), Mộc miên của Huy Du...
Phải là những bài hát trưng trổ được kỹ thuật mới đưa được vào giáo trình giảng dạy thanh nhạc để dạy cho sinh viên những chuẩn mực kỹ thuật thanh nhạc", ca sĩ Quốc Hưng cho biết.
Album nhạc tình đầu tiên của nghệ sĩ opera, nhạc đỏ Quốc Hưng - Ảnh:T.ĐIỂU
Về chuyện "cấm hát" nhạc xưa, nhạc tình một thời ở trường nhạc, tại buổi ra mắt album nhạc của Quốc Hưng chiều nay, NSND Quang Thọ cũng cho biết thực ra các thầy cô khoa thanh nhạc không cấm hát những bài hát "ngoài luồng", nhưng ông cũng thừa nhận từ trước năm 2000 thì nhạc tiền chiến hoàn toàn không được hát trong khoa thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội.
Sau này nhạc tiền chiến, bản tình ca xưa dần dần được trở lại trong đời sống âm nhạc và nhạc Phạm Duy còn được đưa vào giáo trình khoa thanh nhạc để giảng dạy cho sinh viên.
"Đó là những tác phẩm để đời, rất hay, được viết vào những năm tháng xa rồi, thời không có chiến tranh chia cắt, văn nghệ không có tính chính trị nên chúng sống mãi", NSND Quang Thọ nói về sức sống của nhạc xưa.
Ông cho biết bây giờ thì không có chuyện cấm đoán những bản tình ca ngày xưa nữa. Tùy sinh viên nào phù hợp dòng nhạc nào thì hát dòng nhạc đó. Nhưng học trong trường thì vẫn phải học các bài thính phòng, cổ điển, nhạc đỏ để luyện kỹ thuật thanh nhạc, các bài nhạc xưa vẫn không được đưa vào giảng dạy thanh nhạc.
Album nhạc tình đầu tiên của NSND Quốc Hưng tập hợp 10 bài nhạc tình quen thuộc với công chúng yêu nhạc nhiều năm qua. Trong đó, NSND Quốc Hưng chọn thể hiện ba tác phẩm của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là Bài tình ca cho em, Tình khúc buồn, Áo lụa Hà Đông; ba bài của nhạc sĩ Vũ Thành An gồm Bài không tên số 4, Bài không tên cuối cùng, Một lần nào cho tôi gặp lại em.
Ngoài ra, album còn có những tuyệt phẩm Anh còn nợ em (nhạc Anh Bằng, thơ Phạm Thành Tài), Mắt lệ cho người (Từ Công Phụng), Nửa hồn thương đau (nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền).
Các clip sẽ lần lượt được giới thiệu riêng lẻ trên kênh YouTube cá nhân nghệ sĩ mang tên NSND Quốc Hưng.
Sau Gửi dĩ vãng, nghệ sĩ Quốc Hưng sẽ tiếp tục ra mắt những sản phẩm âm nhạc thuộc dòng nhạc xưa, nhạc trữ tình bên cạnh sự nghiệp chính là opera và nhạc đỏ đã làm nên tên tuổi ông.
Ca sĩ nhạc đỏ hát nhạc xưa
TTO - Tất cả các ca sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc thính phòng và nhạc đỏ có sự rẽ ngang, hát thêm nhạc xưa như Lan Anh, Phúc Tiệp, Vũ Thắng Lợi, Lê Anh Dũng… khi được hỏi lý do đều khẳng định 'vì tình'.
http://dlvr.it/Sf3b1J
http://dlvr.it/Sf3b1J
No comments: