Quốc Quân: "Tôi bảo Quang Tuấn gọi tôi là "thằng" cũng được"
Ít khi có diễn viên nào thường xuyên đóng những vai diễn phản diện, từ trộm cắp, cướp giật đến đầu gấu lại được khán giả yêu mến và nhớ tới như Quốc Quân. Không những thế, Quốc Quân còn được biết tới là một danh hài có tiếng của chương trình Gặp nhau cuối tuần, qua những tiểu phẩm chủ đề xu nịnh nơi công sở, hay trong vai ông bố gia trưởng, tằn tiện quá mức.
Gần đây, Quốc Quân trở lại bất ngờ phong phim điện ảnh kinh dị Quỷ cẩu. Nhà sản xuất Võ Thanh Hòa chia sẻ với Dân Việt rằng, vai người chú xấu xa làm nghề mổ thịt chó trong phim khiến anh yêu cầu đoàn phim phải mời Quốc Quân đóng bằng được.
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Quốc Quân về sự trở lại lần này của anh.
Quốc Quân từng muốn từ chối vào vai lưu manh, trộm cướp
Sự xuất hiện của anh trong một phim điện ảnh phía Nam quả thực khiến nhiều người hâm mộ bất ngờ. Vì sao anh nhận lời tham gia phim Quỷ cẩu?
- Tôi cũng rời xa màn ảnh được một thời gian và chủ yếu làm các công việc khác như đạo diễn. Nhưng về nguyên tắc, tôi vẫn phải đọc kịch bản trước khi nhận lời đóng bộ phim nào đó. Khi Võ Thanh Hòa gửi kịch bản cho tôi, tôi cũng phải đọc mất nửa tháng, bởi trước giờ cứ vai lưu manh, ăn cắp ăn trộm, rồi trùm băng đảng là các đạo diễn cứ gọi cho tôi, thế nên nhiều khi tôi cũng phải từ chối. Nhưng có lẽ vì tôi diễn các vai đó "đúng quá" nên các đạo diễn, khán giả mới nhớ tới tôi như vậy.
Nhân vật của anh trong phim bản chất có phải kẻ xấu xa hay không, hay do hoàn cảnh đưa đẩy mới vậy?
- Nhân vật này tàn ác, tham lam, lạm quyền và bắt tất cả người trong nhà phải nghe theo ông ta. Nhưng phần nhiều là ảnh hưởng từ anh trai quá cố lúc còn sống là kẻ gia trưởng, độc đoán và luôn chèn ép tất cả thành viên gia đình. Không những vậy ông ta còn chứng kiến tận mắt vợ mình tằng tựu với anh trai mà không thể làm gì được. Thế mới thấy đôi khi chẳng có ma quỷ nào, mà chỉ có lòng người ác độc với nhau, sự độc ác biến con người không khác nào những con quỷ mà phải trả giá đắt với những việc làm xấu xa mình gây ra.
Trong Quỷ cẩu, anh và Quang Tuấn có nhiều đoạn xô xát đến "sứt đầu mẻ trán", lần đầu hai người làm việc có gặp khó khăn?
- Ban đầu Quang Tuấn gọi tôi bằng "chú" vì dù gì về tuổi nghề tôi cũng hơn cậu ấy khá nhiều, sau đó chuyển sang "anh" cho thân mật. Thế rồi trong quá trình quay phim, tôi nói thẳng: "Em gọi anh bằng "thằng" cũng được!" (cười).
Bởi trong phim bọn tôi tuy là chú - cháu nhưng người chú luôn tìm cách hãm hại gia đình cháu mình, ngay cả vợ của cháu cũng không tha. Tôi hay nói với Quang Tuấn rằng, trong phim cậu ấy hận tôi ra sao thì mình phải tìm cách biểu hiện từ suy nghĩ tới thái độ y chang như vậy, thậm chí còn phải dữ dội hơn.
Ở các cảnh xô xát, chúng tôi cũng phải bàn nhau rất kỹ, ví dụ nếu Quang Tuấn túm cổ tôi thì cậu ấy phải nói ra câu thoại nào đó để tôi kịp phản ứng lại. Quang Tuấn khá tâm đắc với điều đó, gọi tôi là người có kinh nghiệm, tôi nghĩ đơn giản tích lũy được với hàng chục năm làm nghề có cái gì thì mình cứ chia sẻ để công việc chung được tốt hơn.
Nói về tuổi nghề, bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội như NSND Kim Xuân hay nghệ sĩ Vân Dung thì anh gần như là lớn nhất trong đoàn phim, anh có góp ý gì cho ê-kíp để các tình tiết trở nên mượt mà hơn?
- Kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm cũng đã thôi thúc tôi tham gia vào một số công đoạn, nhất là sửa về kịch bản. Ví dụ có những câu thoại mà khán giả miền Nam hiểu nhưng chưa chắc quen thuộc với khán giả miền Bắc, tôi cũng phải góp ý với đạo diễn để sửa từ câu thoại đến phong thái, cung cách nhân vật để khán giả phía Nam hay phía Bắc xem sẽ không khó chịu.
Gần đây trên mạng xã hội, đoạn tiểu phẩm "thu tiền điện" mà anh diễn năm xưa ở chương trình Gặp nhau cuối tuần được chia sẻ lại rầm rộ, thậm chí được rất nhiều bạn trẻ yêu thích. Anh nghĩ sao về điều này?
- Không chỉ tôi mà có lẽ nhiều khán giả đều đồng tình rằng Gặp nhau cuối tuần hết sức sâu sắc, "thâm thúy" và có tính dự báo cao dù tiểu phẩm đó tôi diễn cũng cách đây hơn 20 năm rồi. Chẳng phải hiện giờ dư luận nhiều khi vẫn tranh cãi về việc giá tiền điện tăng hay sao, nên tôi thấy các bạn trẻ ngày nay vẫn bình luận rất nhiều về đoạn tiểu phẩm đó.
Cũng có một cảnh trong Quỷ cẩu gợi nhớ tới một tiểu phẩm mà anh diễn trong Gặp nhau cuối tuần, chắc anh cũng biết?
- Đó là cảnh khi người chú bắt bẻ cháu dâu ngồi xuống mâm là phải mời từng thành viên trong gia đình. Năm xưa tôi cũng diễn một tiểu phẩm như vậy trong Gặp nhau cuối tuần, mọi thứ được làm quá lên để gây tiếng cười mỉa mai nhưng thực chất đó vẫn là phong tục xưa nay của người Bắc, khi ngồi vào mâm cơm, bao giờ cũng phải mời người lớn tuổi trước tiên.
Nhiều khán giả cho rằng, những diễn viên kỳ cựu trong Gặp nhau cuối tuần như anh hay nghệ sĩ Vân Dung và nhiều nghệ sĩ khác đã quá xuất sắc và sẽ không có thế hệ kế cận như vậy nữa. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi nghĩ không phải đâu, chưa bao giờ chúng tôi cho rằng sẽ không có một lớp nghệ sĩ khác làm được như mình, bởi mỗi thời điểm sẽ xuất hiện những gương mặt khác nhau, chẳng qua khán giả yêu mến vì chúng tôi phù hợp với thời đại khi đó thôi. Hiện giờ những bạn trẻ như Trung Ruồi hay Đỗ Duy Nam cũng rất tài năng và được khán giả thời nay yêu quý. Nếu bây giờ bảo chúng tôi làm được như các bạn ấy thì cũng rất khó là đằng khác.
Những người yêu mến anh đều biết anh có một cuộc sống khá yên bình với cô con gái học lớp 6. Cô bé có biết những gì bố đang làm?
- Từ hồi con gái còn học mẫu giáo, tôi đã hay đưa con gái ra bối cảnh quay phim. Vì vậy công việc của bố ra sao, con gái của tôi đều biết hết. Thậm chí, hồi con mới 4 tuổi, tôi đã cho đi đóng phim. Cô bé cầm trên tay quyển kịch bản 2 trang mà học thuộc làu làu, khiến các cô chú trong đoàn phim còn phải bất ngờ. Thấy vậy, tôi cũng vui và tự hào lắm nhưng nghĩ sau này con gái có lớn, con đam mê nghề nghiệp gì tôi cũng ủng hộ hết mình bởi tôi nghĩ đơn giản nhiều khi nghề chọn người, không nhất thiết con gái lớn lên phải nối nghiệp bố.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!
Nguồn: Sưu Tầm
No comments: