Hoa hậu cải lương Như Huỳnh: "Từng có nhiều người ghen ghét, muốn tôi bỏ nghề"
Như Huỳnh sinh ra tại ấp Tràm Thẻ Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đó là một vùng quê mà nhà nào cũng nghèo – như lời kể của cô, nhưng ai ai cũng yêu vọng cổ. Từ 8 tuổi, nghe đài phát thanh phát những làn điệu cải lương, Như Huỳnh đã thường lẩm nhẩm hát theo. Hàng xóm khen giọng hát ngọt ngào của cô, sau đó dần dần cô được mời hát tại những đám tiệc, liên hoan tại địa phương, giấc mơ âm nhạc cứ như thế bắt đầu.
Tình yêu và sự động hương của gia đình, của những người dân trong xóm nghèo ngày ấy đã giúp Như Huỳnh tiến những bước dài trên con đường nghệ thuật. Dù không qua trường lớp đào tạo chính quy, chỉ tự học tự rèn với ý chí và nghị lực, cô lần lượt chinh phục những sân khấu lớn nhỏ, giành hàng loạt huy chương tại những hội diễn cũng như có lượng người hâm mộ đông đảo. Mới đây, cô được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong đợt phong tặng lần thứ 10.
Chia sẻ với Dân Việt, Như Huỳnh khẳng định, đó là niềm hạnh phúc không thể đong đếm được.
Tôi đi thi hát bởi được phát tiền cơm
Mới đây, chị cùng 263 nghệ sĩ khác trên cả nước được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong lễ trao tặng lần thứ 10. Cảm xúc của chị thế nào khi ra Hà Nội để nhận danh hiệu này?
- Tôi tự hào và thực sự hạnh phúc khi đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Đây là niềm vui không chỉ với riêng tôi, mà còn là của gia đình, dòng họ, bạn bè, của những người đã đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường nghệ thuật 20 năm vừa qua.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, tại một miền quê mà ai ai cũng khó khăn vất vả, tôi không có cơ hội học qua trường lớp đào tạo chính quy, chỉ có thể tự học, tự rèn với ý chí và nghị lực. Danh hiệu này như một giấc mơ mà sau nhiều nỗ lực, tôi đã có thể chạm tay vào.
Trước khi trở thành Nghệ sĩ Ưu tú và có một sự nghiệp vững chãi như hiện tại, nghe nói cuộc sống của chị không ít thăng trầm, vất vả?
- Đúng vậy, như vừa nói, tôi xuất thân trong một gia đình rất nghèo. Sau một biến cố của gia đình, tôi lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng, những ngày đầu phải ở nhờ khắp các nhà người quen, nhà trọ, trong người chẳng có quá vài trăm ngàn đồng.
Lúc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức thông báo tuyển sinh, tôi đăng ký thi vì nghĩ dù gì cũng được Ban Tổ chức tài trợ một số điều kiện nhỏ trong những ngày khó khăn: bố trí chỗ nghỉ trong quá trình tập luyện, có đạo diễn thị phạm cho bài ca cổ hoặc vai diễn cho tiết mục thí sinh dự thi, mỗi ngày có phát tiền ăn cơm. Tôi cũng xác định: Khi nào không đi tiếp được vào vòng sau thì mình lại khăn gói về quê vậy… (cười).
May mắn đã mỉm cười khi tôi lọt tới Top 5 của cuộc thi, bắt đầu mở ra cơ hội được đứng trên sân khấu. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi sau đó có vẫn gặp không ít thăng trầm, có những người ghen ghét, đố kỵ, chỉ muốn cho tôi bỏ nghề. Càng khó khăn, càng vấp ngã, tôi lại tự nhủ mình phải mạnh mẽ, ý chí và nghị lực hơn để vượt lên. Tôi luôn nghĩ không ai không có lúc lo lắng hay sợ hãi, chỉ khi vượt qua những thứ đó, ta mới trở thành người can đảm.
Tại sao chị lại chọn gắn bó với cải lương – một loại hình nghệ thuật truyền thống ngày càng kén khán giả?
- Nơi tôi sinh ra, mọi người luôn đắm chìm trong âm hưởng của nghệ thật đờn ca tài tử. Ngay từ lúc mới sinh ra, cải lương đã thấm đẫm tới từng tế bào cơ thể và chạm tới trái tim tôi, cùng với niềm đam mê, sự động viên của gia đình và một chút năng khiếu. Tôi cứ vô tư ca khi đang làm việc, ca giữa xóm làng rồi được mọi người động viên "con bé này giọng ngọt như mía lùi", rủ tôi đi ca trong những đám cưới, liên hoan ở xã.
Lần đầu tiên tôi lên sân khấu là năm tôi 14 tuổi, thi Tiếng hát Nông dân cấp Huyện. Tôi đạt giải Nhất cho tiết mục đơn ca của mình, - tiết mục Liên Nam (Nam Xuân - Ai - Đảo). Tiền thưởng là 100 nghìn đồng, một số tiền khá lớn với tôi và gia đình khi ấy, tôi liền đưa cho ba mẹ làm vốn liếng.
Tôi yêu cải lương, đờn ca tài tử bởi đây là môn nghệ thuật truyền thồng với những thanh ấm sâu lắng như tiếng nói từ cõi lòng, từ tâm sự cuộc đời, cuộc sống. Nó êm đềm, thấm đẫm trong tôi, lúc đầu chỉ lựa chọn vì đam mê và mưu sinh nhưng sau đó niềm đam mê cùng mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị của nó đã đưa tôi đến lựa chọn của cuộc đời đó là gắn bó môn nghệ thuật truyền thống này.
Tất nhiên, sau này tôi còn còn tham gia biểu diễn một số loại hình nghệ thuộc khác như: bolero, nhạc nhẹ, dân ca đương đại, hát chèo, xẩm, kịch nói và film truyền hình…. Thế nhưng với tôi, cải lương luôn là máu thịt.
Tôi có chút kiêu hãnh khi tiên phong thay đổi
Loạt clip hàng triệu view trên Youtube của chị là tín hiệu mừng cho thấy cải lương vẫn được khán giả đón nhận khá nồng nhiệt và đều đặn?
- Đúng vậy, khi được khán giả đón nhận thông qua kênh YouTube cá nhân, tôi hiểu rằng đây vừa là phương thức giúp môn nghệ thuật này tiếp cận nhiều hơn với đông đảo công chúng, vừa là tín hiệu tốt đối với cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu cải lương. Tôi cũng nghĩ đó là một xu hướng mới trong việc tương tác giữa đông đảo người mộ điệu với các môn nghệ thuật cổ truyền dân tộc.
Chị cũng được biết tới với danh xưng "hoa hậu cải lương", do sự tiên phong về phong cách thời trang. Xuất thân là một cô gái nghèo, tại sao chị lại sẵn sàng chi nhiều tiền cho trang phục, mỹ phẩm?
- Tôi nảy ra ý tưởng về phong cách thời trang từ kinh nghiệm đứng trên sân khấu, từ sự nhìn nhận lại mình sau mỗi lần diễn cũng như đặt bản thân vào tâm lý khán giả, người hâm mộ. Do có đôi chút hiểu biết về thời trang, tôi quyết định kết hợp xu hướng make up, phong cách thời trang hiện đại gắn với hình ảnh nghệ sĩ cải lương nhằm tăng tính hấp dẫn của loại hình nghệ thuật này. Thú thật, khi bước chân lên TP.HCM, bước vào môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, tôi vẫn là cô bé quê mùa, hoàn toàn chưa biết trang điểm, chưa biết tạo hình nghệ thuật...
Tôi nhớ thời điểm ấy, các nghệ sĩ cải lương nữ đa số ai cũng tóc dài đến thắt lưng, đen mượt, thả suông khi hát ca cổ hoặc tuồng xã hội. Hầu như khán giả mặc định nghệ sĩ cải lương phải mặc áo dài, bà ba khi xuất hiện. Những năm đầu lên thành phố tôi cũng vậy, nhìn những sản phẩm của tôi thời điểm bước chân ra từ cuộc thi Chuông Vàng vọng cổ, mọi người đều sẽ thấy.
Sau mấy năm, với rất nhiều lần đắn đo, tôi mới quyết định cắt đi mái tóc dài đen mượt của mình thành tóc kiểu ngang vai, sau thì nhuộm màu trẻ trung, rồi khi hát tân cổ tôi mặc đầm dạ hội, đầm hiện đại, chải tóc sóng nước... Tùy vào nội dung ca khúc, tôi nhờ nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia trang điểm, stylist có gu hiện đại, sang trọng. Sau tôi lại nghĩ sao không mặc soa-rê hát tân cổ đám cưới trên sân khấu nhỉ? Thế là tôi thực hiện (cười).
Hiện tại, tôi có chút kiêu hãnh khi rất nhiều nghệ sĩ cải lương mang phong cách này lên sân khấu. Họ cũng thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang như những gì tôi đã làm. Tôi nghĩ, đó cũng là một yếu tố góp phần giúp cải lương tiếp cận, giữ chân khán giả.
Việc chị chuyển từ TP.HCM về làm việc tại Nhà hát Cao Văn Lầu của tỉnh Bạc Liêu từng khiến nhiều khán giả bất ngờ. Lý do nào đã khiến chị đi tới quyết định này?
- Tôi muốn được đắm mình trong cái nôi của đờn ca tài tử, cải lương, nơi bản Dạ cổ hoài lang bất hủ của Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời, sau nhiều năm bôn ba trên con đường nghệ thuật.
Về Bạc Liêu theo chính sách thu hút của tỉnh, tôi thấy mình hạnh phúc, mãn nguyện. Với tôi, dù mình sinh sống hay công tác ở đâu, điều mình mong muốn nhất chính là được khán giả, đồng nghiệp đón nhận. Hiện tại, bên cạnh thời gian cho công việc, tôi còn tham gia kinh doanh và thưởng thức một nghệ thuật khác mà tôi đam mê - đó là trà đạo. Tôi mong gắn kết trà đạo với người nghệ sĩ của nghệ thuật truyền thống, như cách tôi từng mang thời trang phong cách hiện đại lên sân khấu.
Về chuyện riêng tư, chị hẳn đang có một tình yêu đẹp?
- Một danh nhân đã nói "Ở đâu có một tình yêu lớn lao, ở đó sẽ luôn tồn tại những điều kỳ diệu". Tôi đang có một tình yêu với nghệ thuật và luôn tin vào những điều kỳ diệu.
Sau khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, sắp tới, chị có nhiều dự định mới mẻ trong sự nghiệp?
- Tôi luôn mong mang cho đến khán giả cải lương nói chung, những khán giả trẻ nói riêng hình ảnh một nữ nghệ sĩ cải lương vừa truyền thống vừa hiện đại. Qua đó, người trẻ tuổi sẽ thích thú với môn nghệ thuật này, họ không còn cho rằng cải lương sến súa, chậm nhịp với thời đại họ đang sống.
Bên cạnh đó, tôi cũng vẫn đang trên con đường phấn đấu trở thành một nghệ sĩ đa năng, mang lời ca tiếng hát của nhiều loại hình nghệ thuật đến với khán giả, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể thế giới, góp phần nhỏ bé vào việc gìn giữ và phát triển văn hoá dân tộc.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nguồn: Sưu Tầm
No comments: