Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam chật vật mưu sinh: "Mất mát của chúng tôi đã quá lớn!"
Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2016, Hãng phim mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso). Cụ thể, với 32,5 tỷ đồng, Vivaso đã giành 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược.
Công ty này hoàn tất quá trình mua lại Hãng phim truyện Việt Nam vào tháng 6/2017. Sau khi hoàn tất quá trình mua lại, mâu thuẫn giữa nghệ sĩ và Vivaso vô cùng căng thẳng. Tình trạng này kéo dài bởi những mâu thuẫn dai dẳng, khó giải quyết giữa nghệ sĩ Hãng phim và Vivaso.
Đây là phòng giám đốc trước khi cổ phần hoá. Khác hẳn với sự xuống cấp như hiện nay. Ảnh: Nhân viên HPTVN cung cấp.
Bên cạnh việc trụ sở tọa lạc trên khu đất "vàng" số 4 Thụy Khuê rơi vào cảnh tiêu điều, đổ nát... thì Hãng phim truyện Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ hoạt động sản xuất phim; công việc và đời sống của cán bộ công nhân viên không được đảm bảo; không có nguồn tài chính để duy trì các hoạt động thiết yếu, kể cả việc bảo quản kho phim... Không ít lần các nghệ sĩ phải gửi đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, kêu gọi tìm ra giải pháp kịp thời "cứu" nơi xem là "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Khi được hỏi về tình cảnh của các nghệ sĩ, nhân viên tại Hãng phim truyện Việt Nam trong thời gian 7 năm qua, đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân từng giữ vị trí Phó Giám đốc tại Hãng phim chia sẻ với PV Dân Việt: "Nghệ sĩ tản mát khắp nơi. Một thế hệ nghệ sĩ 6x tương đối mạnh mẽ như chúng tôi đã về hưu gần hết. Còn lứa nghệ sĩ 7x-8x vẫn trong độ tuổi lao động và đương nhiên phải duy trì đời sống của mình. Họ đều làm phim.
Nếu Hãng phim truyện Việt Nam còn tồn tại từ năm 2016 đến năm 2024 đó là quá trình gần 10 năm của sự nghiệp của cả một đời người. Nó là những năm tháng chín muồi nhất thì nghệ sĩ bị đẩy ra đường một cách không thương tiếc, vô cảm.
Rất nhiều người cũng phải tìm kiếm các công việc khác để tồn tại. Có bạn làm thu thanh phải mở hàng bia, biên kịch phải bán hải sản. Có bạn quay phim phải chạy Grab, nhiều người bán hàng online.
Các thành phần còn làm nghề tồn tại không lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội đều có những sản phẩm của mình nhưng dưới tên của các hãng khác. Các lực lượng ấy vẫn tiếp tục làm nghề, tiếp tục sự sống với niềm đam mê theo đuổi được nghề nghiệp. Một số bám vào được hệ thống sản xuất của các hãng khác. Lẽ ra đấy là việc mà chúng tôi phải làm ở Hãng của mình".
Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn từng công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam từ năm 2017 cho biết: "Công việc của tôi ở Hãng phim gần như không có gì cả. Chúng tôi đều đi làm dự án bên ngoài nhưng cũng rất khó khăn.
Một khi mất đi đơn vị chủ quản thì bản thân tôi cũng như anh em nghệ sĩ đều rơi vào tình cảnh như vậy, đều phải bươn chải, tìm đủ mọi ngành nghề để tồn tại. Chị biên kịch đi bán hàng online, anh thu thanh đi bán bia… những điều đó vốn dĩ đã quá quen gần chục năm nay.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì hiện giờ ở Hãng phim chỉ có khoảng 4 hay 5 người được nhận lương nhưng chỉ trên “danh nghĩa” vì theo tôi được biết công ty vẫn còn nợ lương 2, 3 năm gần đây. Bây giờ đến Hãng phim cũng không được, cổng chính bị khóa, phải đi cổng sau, đường đi lầy lội rất khó vào.
Tôi nghĩ mất mát của nghệ sĩ chúng tôi đã quá lớn, cho dù Chính phủ cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hay công ty Vivaso có đưa ra cách thay đổi thì cũng đã quá muộn. Bởi những năm tháng sung sức nhất, chúng tôi không được làm nghề. Hiện giờ, mọi thứ đã quá tan nát và xập xệ. Và chúng tôi cũng không hiểu tại sao chuyện này lại giải quyết chậm đến vậy".
Nhân viên âm thanh Hồ Quang Huy cho biết: "Tôi công tác ở Hãng phim từ năm 1996, hơn 30 năm rồi. Tôi làm hậu kỳ nên gần như bộ phim nào của Hãng phim tôi cũng đều tham gia, như Thầu Chín ở Xiêm hay Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Nhưng từ năm 2017, chúng tôi đều đã bị cắt lương, thưởng, bảo hiểm.
Chúng tôi quá chán nản rồi nhưng đến giờ không cơ quan nào giải quyết. Nhà tôi còn mẹ già, hai con nhỏ nhưng đến giờ, tôi phải nói mình gần như bỏ nghề rồi. Sức khỏe cũng chẳng thế nào đi làm thuê, hay ra ngoài mưu sinh. Tôi phải bán đủ thứ, từ bán bia, bán nước. Hiện giờ, tôi đang bán bia thì có lệnh cấm rượu bia khi lái xe, khiến tôi buôn bán cũng khó khăn.
Giờ tình hình đã thế này rồi, chúng tôi không mong mỏi gì hơn, chỉ muốn có quyền lợi tối thiểu của một người công nhân bình thường. Ở tình cảnh “thấp cổ bé họng”, đúng là chúng tôi không biết kêu ai.
Biên kịch Đặng Thu Trang chia sẻ: "Tôi và một số người ít ra cũng may mắn, vẫn còn sống được “lay lắt” với nghề, nhưng hầu như toàn tự cầm kịch bản đi khắp nơi xin đầu tư. Có một biên kịch khác của hãng là Tống Phương Dung thì bán hải sản, hay một nhân viên làm ánh sáng tên là Thu nếu không đi đoàn thì chạy Grab. Quay phim chắc là ngành tạm ổn nhất, bởi hầu như lĩnh vực nào cũng cần quay phim, không phim truyện thì phim quảng cáo".
Biên kịch Tống Phương Dung cho biết: "Tôi từng làm biên kịch các phim cho Hãng phim như: Sau ánh bình minh; Hoa hồng mua chịu; Ông Tơ hai phẩy. Hiện giờ, tôi vẫn mưu sinh bằng nghề bán hàng online khi không có việc làm, không bảo hiểm, không trợ cấp ở Hãng phim.
Mọi thứ với tôi bây giờ đều bấp bênh và hên xui vô cùng. Tôi nghe ông Danh Thắng nói vẫn trả lương cho nhân viên. Không hiểu, ông ấy trả lương cho ai, vì làm gì còn ai làm việc ở đó đâu? Hiện giờ, Hãng phim chỉ còn hơn 30 người và gần hết trong số đó đều là biên kịch, đạo diễn, quay phim. Có khi chỉ những người làm bộ phận hành hành chính được trả lương, còn những người làm sáng tác thì không có. Nhưng theo tôi được biết những người ở bộ phận hành chính cũng không chịu nổi mà chuyển đi hết rồi, chỉ còn một người tên là Hưng, có khi đó là người duy nhất được trả lương".
Các giải thưởng phim trong nước, quốc tế. Ảnh: Nhân viên HPTVN cung cấp.
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Nguyễn Thanh Vân nói rằng: "Các nghệ sĩ bị đẩy ra đường hàng năm trời, hết năm này đến năm khác thì ai chịu trách nhiệm? Số phận của con người, thương hiệu của một Hãng phim và rất nhiều vấn đề về cách cư xử với Hãng phim, với con người làm văn hóa.
Chúng tôi đã nghĩ vấn đề này đương nhiên phải được giải quyết sớm vì nó sai trái. Sai trái này không phải tự chúng tôi nói ra mà nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ: có 6 điểm sai trái lớn cần phải giải quyết. Nhưng mọi thứ vẫn trôi cho đến tận giờ. Chúng tôi vẫn tin và mong rằng sẽ có chuyển biến mới.
Nhưng dù là có thì nó quá muộn, quá chậm trễ và làm tan nát một thế hệ của Hãng phim truyện Việt Nam".
Nguồn: Sưu Tầm
No comments: