50 năm John Williams vẫn viết nhạc phim cho Steven Spielberg
Tình bạn 50 năm John Williams - Steven Spielberg
Tại Liên hoan phim Cannes năm 1974, bộ phim chiếu rạp đầu tay của Spielberg là The Sugarland Express được chiếu, cũng là lần đầu tiên Williams viết nhạc phim cho Spielberg. Tròn nửa thế kỷ trôi qua, Cannes chiếu lại bộ phim này.
Có lẽ chỉ với Spielberg thì một phim đoạt giải kịch bản xuất sắc tại Cannes cũng chỉ như một chấm nhỏ trong gia tài của ông.
Ngày nay chẳng mấy ai coi The Sugarland Express là tác phẩm phải xem của nhà làm phim người Mỹ. Đó chắc chắn không phải tác phẩm hay nhất, kỳ công nhất, cách mạng nhất hay ảnh hưởng nhất.
Nhưng đó là một tác phẩm kỳ lạ bậc nhất, không hề có hậu như phong cách thân quen của Spielberg.
Chuyện phim về một nhân viên chăm sóc sắc đẹp giúp chồng vượt ngục dù chẳng mấy nữa anh ta mãn hạn tù, để rồi hai vợ chồng trẻ con, có phần loạn trí, cướp một chiếc ô tô của nhân viên an ninh và lên đường đòi lại đứa con trai đã bị nhà nước tước bỏ không cho họ nuôi nấng.
The Sugarland Express (1974) Theatrical Trailer
Nét ngông nghênh, tâm tính thất thường của đôi nhân vật chính dễ nhắc ta nhớ đến những cặp tình nhân tinh quái, bất kham mà đượm buồn trong các bộ phim arthouse kinh điển của Làn sóng mới Pháp.
Và sự tinh quái, bất kham nhưng đượm buồn ấy được nắm bắt trọn vẹn trong bản nhạc chủ đề do John Williams sáng tác.
Giai điệu mang âm hưởng dân ca, lấy tiếng harmonica (trong một phiên bản khác là sáo) làm trung tâm và cả dàn nhạc dây làm bệ đỡ, không chỉ khơi gợi nên hành trình xuyên qua những cung đường hoang dã rộng dài của nước Mỹ mà cặp vợ chồng lao qua, chạy trốn sự truy lùng ráo riết của cảnh sát.
Sự len lỏi của tiếng harmonica để chống lại việc bị nuốt chửng trong sự cộng hưởng của cả dàn nhạc dường như cũng là nỗ lực mà hai kẻ trẻ trung quái đản kia đang chống lại cả một xã hội, cả một đoàn xe cảnh sát nối dài dằng dặc bám lấy họ.
Những khoảnh khắc khi dàn nhạc chùng xuống và tiếng harmonica được tự tại lơi lỏng hơn, nó cũng ứng với những đoạn lãng mạn nho nhỏ trong phim, như khi hai nhân vật chính - lúc này đã bị cả thế gian cô lập - bỗng cười khùng khục với nhau trong đêm.
Rồi người vợ nằm trên giường, vừa nhai kẹo cao su vừa hỏi người chồng rằng "Anh có nhớ em không?". Anh đáp: "Ngày nào cũng nhớ".
Tôi biết, nhưng họ chết hết cả rồi
Trong bài phỏng vấn kỷ niệm tình bạn 50 năm, John Williams kể lại một lần từng định từ chối sáng tác nhạc cho Spielberg với lý do: "Cậu cần người giỏi hơn tôi", và Spielberg bảo: "Tôi biết, nhưng họ chết hết cả rồi".
Spielberg cũng chẳng cần nịnh Williams. Bởi đúng là thế, còn ai ngoài Williams có thể khiến chúng ta chỉ cần nhắm mắt nghe một bản nhạc là ngay lập tức tâm trí trở thành một tấm màn chiếu nơi thước phim của Spielberg được phóng lên.
Nghe tiếng cello và bass trầm khan lặp đi lặp lại hai nốt mi và fa là ta ngay lập tức tưởng tượng ra một vùng biển hiểm nguy, với loài cá mập trắng khổng lồ đang rình rập đâu đây trong siêu phẩm Jaws.
Nghe bản Over The Moon dồn dập, hối hả như một động cơ siêu quần là ta mường tượng ra cảnh người ngoài hành tinh E.T cùng cậu bé Elliot đạp xe bay vút lên không trung, bóng họ in trên mặt trăng - một trong những cảnh đáng nhớ nhất của điện ảnh.
E.T.: The Extra-Terrestrial:Over The Moon
Nghe tiếng violin như đi vào từng ngóc ngách tâm tư con người của Itzhak Perlman tấu bản nhạc chủ đề trong tác phẩm về Thế chiến II, Schindler's List, là hiện ra hình ảnh Oskar Schindler rưng rưng nước mắt: "Tôi đã có thể làm nhiều hơn thế. Tôi đã làm không đủ", vì dẫu cứu được hơn ngàn mạng người Do Thái, thì ông cũng không cứu nổi hàng triệu người Do Thái khác bị hành hình.
Có thể kể ra hàng chục khoảnh khắc như thế. Và ở cái tuổi người khác đã nghỉ hưu, cả hai vẫn không dừng lại, vẫn cộng tác với nhau.
Spielberg bảo không có kế hoạch dưỡng già. Williams thì tự tin sẽ sống tròn trăm và còn sống ngày nào sẽ làm nhạc ngày đó.
Người ta thường nói tình bạn kéo dài hơn 7 năm là tình bạn vĩnh viễn. Vậy biết nói gì với tình bạn 50 năm này đây? Có lẽ "vĩnh viễn" cũng là quá ngắn.
No comments: