30 năm 'Vua sư tử' kinh điển: Disney vẫn chưa làm được phim nào hay hơn thế?
Vua sư tử (The Lion King) - phim hoạt hình kinh điển của thế giới - kỷ niệm 30 năm ra mắt vào ngày 24-6.
Screenrant viết: "30 năm sau khi ra đời, Vua sư tử vẫn là bộ phim hay nhất của Disney". Lưu ý là "bộ phim" chứ không chỉ "bộ phim hoạt hình".
Collider ca ngợi: "Bộ phim tuyệt vời của Disney, Vua sư tử (1994), như một loại rượu quý để càng lâu càng ngon".
"Disney không hề biết Vua sư tử sẽ thành công vang dội đến thế nào khi phim phát hành vào năm 1994. Họ còn không mong đợi điều đó" - The Conversation viết.
Bộ phim 'hạng hai' trở thành kinh điển
Khi ra đời năm 1994, lập tức Vua sư tử trở thành bộ phim ăn khách thứ hai mọi thời đại (chỉ sau Jurassic Park năm 1993), và là phim hoạt hình ăn khách nhất thế giới.
Vua sư tử giữ kỷ lục là phim hoạt hình có doanh thu cao nhất trên toàn thế giới trong 9 năm cho đến khi bị Finding Nemo (2003) vượt qua.
Nhưng thành công này hoàn toàn nằm ngoài dự báo của Disney.
Thập niên 1980 và 1990, Disney thành công vang dội với các phim hoạt hình công chúa như Nàng tiên cá (1989) và Người đẹp và quái vật (1991).
Jeffrey Katzenberg - nhà điều hành Disney kiêm ngôi sao Hollywood - mong Pocahontas (1995) sẽ là thành công tiếp theo.
Do đó, quá trình phát triển Vua sư tử được kỳ vọng sẽ tạo ra một bộ phim "xếp thứ hai".
Chính cảm giác thua kém đã trở thành động lực cho đội ngũ sáng tạo khao khát tạo ra một câu chuyện ăn khách nguyên bản.
Học tập từ thành công của các phim trước, Disney đầu tư vào khâu âm nhạc cho Vua sư tử.
Một đội ngũ trong mơ được quy tụ gồm nhà soạn nhạc phim Hans Zimmer, nhà viết ca từ Tim Rice và siêu sao pop quốc tế Elton John.
Phim giành được hai giải Oscar vào năm 1995, thì hai giải đều thuộc về âm nhạc: Nhạc nền hay nhất và Bài hát gốc hay nhất cho Can You Feel The Love Tonight.
Giai điệu Can You Feel The Love Tonight kinh điển đến mức dù phim có bao nhiêu bản chuyển thể, làm lại thì ca khúc vẫn luôn được sử dụng. Bởi cứ nghe Can You Feel The Love Tonight thì đó chính là Vua sư tử.
Không chỉ vậy, những ca khúc như Hakuna Matata hay The Circle of Life cũng rất nổi tiếng.
Can You Feel the Love Tonight - Elton John
Disney đang tiếp nối hay 'vắt sữa' di sản Vua sư tử?
"Nhưng tôi đang lo lắng liệu di sản của phim có bị ảnh hưởng vì những bản làm lại live-action và phái sinh của Disney hay không" - tác giả Matthew Rudoy bày tỏ.
Cụ thể, ông lo những tác phẩm như live-action Vua sư tử (2019) hay sắp tới là Mufasa: The Lion King (2024) sẽ làm suy yếu di sản rực rỡ của thương hiệu.
Trong 30 năm qua, thành công có một không hai của Vua sư tử đã tạo ra các phần tiếp theo, làm lại và phái sinh.
Đầu tiên là các phim hoạt hình The Lion King 2: Simba's Pride và The Lion King 1½ - đều phát hành thẳng lên dịch vụ video. Năm 1997, Vua sư tử được chuyển thể thành nhạc kịch lưu diễn trên toàn cầu, diễn cố định ở sân khấu West End, London và Broadway, New York.
Năm 2019, Disney làm live-action Vua sư tử. Phim được nhận xét "hoành tráng nhưng vô hồn" vì những con thú dựng bằng máy tính không thể sinh động và cảm xúc như các nhân vật gốc.
Nhưng về thương mại, đây vẫn là thành công vang dội với 1,66 tỉ USD doanh thu.
Và nay, để kỷ niệm 30 năm ra mắt Vua sư tử, phần tiền truyện Mufasa: The Lion King sẽ ra rạp vào ngày 20-12 năm nay.
Mufasa: The Lion King làm theo phong cách hoạt hình hiện thực, vừa là tiền truyện vừa là hậu truyện của Vua sư tử 2019. Dù chưa ra mắt, Mufasa đã vấp phải nhiều hoài nghi từ khán giả.
Nhìn lại di sản Vua sư tử, hẳn Disney nhận ra một lý do rõ ràng và nổi bật: tập trung vào hoạt hình chất lượng cao và lấy âm nhạc làm trung tâm để kể chuyện.
"Âm nhạc mang tính biểu tượng, hoạt hình ngoạn mục và chiều sâu cảm xúc của câu chuyện kịch tính nhưng không kém phần hài hước đã khiến Vua sư tử trở nên vượt thời gian" - Screenrant phân tích.
30 năm kết nối mọi thế hệ
Nhân dịp này, hãng Disney chiêm nghiệm giá trị Vua sư tử qua bức thư ngỏ từ trang web của Walt Disney. "30 năm kết nối mọi thế hệ trong vòng tròn cuộc đời" là tiêu đề.
"Là một trong những loạt phim được yêu thích và nổi tiếng nhất của Disney, Vua sư tử tiếp tục đại diện cho mọi thứ mà công ty có thể cung cấp, chứng minh cách kể chuyện của Disney có thể trải dài qua nhiều thế hệ" - công ty viết.
Simba và Kimba
Tranh cãi lớn nhất về Vua sư tử là nghi vấn sao chép phim hoạt hình Nhật Bản Jungle Emperor (thập niên 1960). Phim này được biết đến tại Mỹ với tên Kimba the White Lion. Còn nhân vật chính trong Vua sư tử tên là Simba.
Gần 500 họa sĩ truyện tranh và nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản từng ký cáo buộc Disney đạo nhái, yêu cầu ghi công xứng đáng cho tác giả Osamu Tezuka. Nhưng công ty sản xuất phim Kimba và gia đình tác giả Tezuka, công ty Tezuka Production chưa bao giờ khởi kiện.
Còn đạo diễn Roger Allers và đồng đạo diễn Rob Minkoff của Vua sư tử đều khẳng định họ không quen thuộc với Kimba.
No comments: