Công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam: Một sân khấu lớn dành cho người Việt
Thị trường concert đầy ắp dư địa để khởi đi một khát vọng đẹp mà những vị khách sộp không phải là những người đến từ tương lai.
Họ chính là lớp khán giả trẻ hiện tại, tuổi từ 15 - 35, thậm chí trẻ hơn và đang là khách hàng lớn nhất của thị trường âm nhạc. Vấn đề là có khiến họ "móc ví tiền" ra được không?
Từ Born Pink của nhóm nhạc "hắc hồng" với hơn 67.000 khán giả hồi tháng 7 năm ngoái tới ba concert (Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Hội - Thuần - Hội) hơn 45.000 khán giả trong tối 19-10 tại TP.HCM cho thấy "sức hút" khủng khiếp của "mỏ quặng" có tên khán giả Việt Nam.
Muốn dựng ngành công nghiệp biểu diễn trước hết phải chinh phục được lớp khán giả này.
Trước làm concert rất run vì sợ không có khán giả
Chứng kiến "cú" trở mình mạnh mẽ của thị trường concert ba tháng cuối năm, đặc biệt là hai concert Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai, nhạc sĩ Huy Tuấn nói với Tuổi Trẻ anh cảm thấy "vui mừng và bất ngờ".
Lý do: chỉ trong một thời gian ngắn, khán giả Việt Nam đã thay đổi thói quen thưởng thức âm nhạc, "hy vọng đó không chỉ là trào lưu nhất thời, sớm nở tối tàn".
Huy Tuấn chia sẻ muốn làm gì cũng phải có khán giả. Có khán giả thì mới "nuôi" được concert, nghệ sĩ, nhà sản xuất và hệ sinh thái đi theo mới vận hành được. Cũng chỉ có khán giả mới phát triển được thị trường âm nhạc.
Huy Tuấn cho biết trước đây khi muốn tổ chức show ở Việt Nam, đơn vị sản xuất rất run vì sợ... không có khán giả.
Nhạc sĩ cho rằng concert Mỹ Tâm với 30.000 khán giả ở sân vận động Mỹ Đình gây choáng nhưng đó không phải thị trường.
Những tín hiệu tích cực từ thị trường concert ba tháng cuối năm nay (với nhiều concert cùng cộng hưởng) mới cho thấy điều ngược lại.
Theo Huy Tuấn, muốn dựng ngành công nghiệp biểu diễn, các đơn vị tổ chức phải xác định được tệp khán giả mình đang hướng đến là ai?
Rõ ràng chúng ta đang có một lớp khán giả mới, rất khác thế hệ cũ. Họ trẻ, chịu chơi, chịu chi và rất cập nhật xu hướng. Những xu hướng đó không xuất phát từ Việt Nam, mà phần lớn theo mô hình K-pop, nhất là trạng thái đu idol, các fandom...
Ở thị trường ngầm hơn, theo Vũ Hồ Phương Khoa - một trong hai đại diện của Allaccess, đơn vị sáng lập Hội và đồng tổ chức Hội - Thuần - Hội 2024, hiện thị trường ca nhạc trong nước phân hóa rất rõ. Bên cạnh những concert thuộc thị trường mainstream (chủ lưu) cũng có những show ở thị trường "ngầm".
Những show mà Những thành phố mơ màng, Hội, Tomato, Hanoi Rock City... tổ chức đều có tệp khán giả rất trung thành. Lượng khán giả không gây choáng váng nhưng ổn định và đi lên, đặc biệt rất văn minh.
Chị Phương Khoa chia sẻ những concert ở thị trường ngầm hoạt động, cụ thể là những sự kiện của Hội đi theo hướng "kết nối cả nghệ sĩ, khán giả và người làm show", "muốn ai cũng là người đồng hội", "có tính cộng đồng". Khoa đánh giá mô hình này "ổn, giờ chỉ cần cải tiến hơn về chất lượng show và nâng cấp dịch vụ".
Với khán giả của thị trường ngầm, Nam - Bắc cũng rất khác nhau. Phương Khoa nhận xét trong khi khán giả miền Nam dễ tính hơn, thích âm nhạc từ nhiều cộng đồng khác nhau, họ rất indie nhưng hoàn toàn có thể đu idol K-pop; thì khán giả và nghệ sĩ miền Bắc indie là chuẩn indie. Khi tổ chức concert, việc hiểu tệp khán giả hướng đến rất quan trọng.
Nếu khai thác tốt có thể thành xu hướng
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nói ủng hộ của khán giả với hai show Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai có thể mang tính thời điểm song biết khai thác tốt vẫn có thể thành xu hướng.
Sự kết nối giữa nghệ sĩ và khán giả, cũng như cảm xúc mỗi buổi diễn mang lại là những yếu tố có tính quyết định.
Theo Hồng Quang Minh, việc xây dựng cộng đồng khán giả trung thành với các hoạt động hậu concert cũng như quảng bá và tương tác liên tục với khán giả qua các nền tảng truyền thông xã hội là điều cần.
Quang Minh lưu ý hiện thị trường nhạc trong nước ấm dần song vẫn đang giai đoạn phát triển và hoàn thiện.
Các concert có những nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế có thể vẫn ế vé như thường. Các nhà tổ chức cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng hơn, hiểu được thị hiếu và nhu cầu của khán giả hơn.
"Tạo lập một nền tảng khán giả mạnh, xuyên suốt và có chiến lược phát triển lâu dài sẽ giúp thị trường âm nhạc nội địa ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai gần", Quang Minh nói.
No comments: