Hà Lệ Diễm và những kỷ niệm khó quên về Những đứa trẻ trong sương
Những đứa trẻ trong sương (tựa tiếng Anh: Children of the Mist) là một thành công lớn của dòng phim tài liệu Việt Nam khi lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc nhất tại Oscar 2023.
Phim nói về cuộc đời của Di, bé gái 12 tuổi, sống trong ngôi làng được sương mù bao phủ quanh năm ở vùng núi Tây Bắc. Di là người dân tộc Mông, nơi mà phụ nữ nghỉ học để kết hôn khi còn rất trẻ, nơi đối diện quanh năm với cái đói nghèo, sự mất tích, chết chóc…
Dành 3 năm để theo chân và đưa quá trình trưởng thành của Di lên màn ảnh, đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết chị đối diện với nhiều khó khăn khi làm phim, nhưng vẫn hạnh phúc vì nhận được sự giúp đỡ của chính những nhân vật mình quay.
Trailer: Những đứa trẻ trong sương
Đằng sau lớp sương mù bình yên
Trong buổi tọa đàm trò chuyện về thế hệ nữ đạo diễn trẻ Việt Nam đương đại, sau khi chiếu lại bộ phim tại hội trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Lệ Diễm cho biết:
"Ban đầu, khi tôi đến Sa Pa, tôi thấy phong cảnh rất đẹp, khiến tim như rớt mất một nhịp. Nhưng khi ở lại lâu, tôi nhận thấy đằng sau làn sương mù, đằng sau vẻ đẹp đó có những điều thách thức thực sự, thậm chí là những đe dọa ngay cả về tính mạng con người".
Và xuyên suốt 90 phút phim, Hà Lệ Diễm khiến khán giả theo dõi bất ngờ, hồi hộp với những tình tiết được cô chắt lọc.
Dù là một bộ phim tài liệu, Những đứa trẻ trong sương vẫn có cốt truyện rõ ràng, với những trường đoạn gay cấn, những khoảng lặng để các nhân vật tâm sự, những thông điệp đầy mạnh mẽ về quyền tự quyết của người phụ nữ.
Hà Lệ Diễm đan cài trong câu chuyện của Di góc nhìn từ những nhân vật khác xung quanh. Đó là mẹ Di, người phụ nữ thương con và luôn đưa cho cô những lời khuyên đúng lúc đúng chỗ. Đó là Vàng, cậu trai mới lớn yêu Di thật lòng.
Đó là những thầy cô giáo dạy dỗ Di, những người đã can thiệp bằng cách tư vấn, tuyên truyền, không ép buộc cô trong việc đưa ra lựa chọn thuộc về mình.
Bên cạnh đó, bối cảnh rừng núi Sa Pa cũng hiện lên bình dị, dân dã, trong những khung hình giàu tính nghệ thuật, hỗ trợ tốt cho việc truyền tải câu chuyện đạo diễn muốn kể.
Phim không phải là về mối quan hệ giữa hung thủ và nạn nhân, mà là sự tái hiện những lát cắt trong phong tục truyền thống của người Mông, cũng như những suy nghĩ và mối liên hệ giữa các nhân vật xunh quanh đó.
Máy quay là con mắt, đôi tai
Khi được hỏi về những kỷ niệm trong quá trình quay phim, Diễm chia sẻ: "Khi bắt đầu quay, Di đã hỏi tôi rằng: "Chị ơi, không biết bộ phim này có mang Di được từ tương lai về Di của hiện tại bây giờ không?".
Các nhân vật trong phim, ai cũng đều muốn giải thích về phong tục, suy nghĩ riêng của họ. Điều đó làm tôi cảm thấy mọi người đều muốn kể cho tôi nghe câu chuyện của họ, đều muốn được lắng nghe. Máy quay giống như con mắt, đôi tai của tôi để quan sát và lắng nghe mọi người vậy".
Nhà phê bình văn học Hoàng Cẩm Giang cho biết: "Diễm đã làm được điều kỳ diệu là đưa chúng ta trở về thời điểm chuyển giao khi ta trở thành người lớn.
Trong ống kính máy quay của Diễm, tôi cảm nhận được linh hồn và thế giới tưởng như hoàn toàn trung tính, khách quan, nhưng thực chất lại thấm đẫm cảm xúc của người làm phim. Và bản thân người làm phim cũng có những đau đớn, vật vã, những sự đấu tranh với chính mình.
Tôi nghĩ lớp sương mù như một bầu không khí thiết chế, bao bọc mà người ta đã sống quen với nó, trở thành một phần trong cách người ta nhìn đời. Giống như giữa cái đúng và cái sai, cái hiện đại và cổ tục, nó không có ranh giới rõ ràng như chúng ta nghĩ. Và vì thế, nó không dễ để giải quyết.
Ta sống trong làn sương khói đặc, nguy hiểm đến mức ta cảm giác như mình phải quay về, không thể đi tiếp được, vì đằng sau tấm sương mù đó là những điều ta không biết trước. Và Diễm đã thể hiện câu chuyện đầy mâu thuẫn, những giao thoa, tranh cãi về cuộc sống của người Mông một cách rất tế nhị".
No comments: