Âm nhạc là con đường bước ra ánh sáng
Giáo sư Tôn Thất Triêm và dàn hợp ca Hy Vọng gây ấn tượng với khán giả khi trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) cuối năm 2020 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Và là cảm giác sung sướng được sống với đam mê của mình.
Một chiều cuối đông, trong căn nhà bên đường Láng (Cầu Giấy, Hà Nội) vang lên giọng hát cao vút quyện vào tiếng đệm piano. Người nghệ sĩ tay thoăn thoắt như nhảy nhót trên phím đàn, xung quanh người hát người bè, từ Người Hà Nội đầy hào hùng, bi tráng cho tới Nhạc rừng trong trẻo, lãng mạn cũng được thể hiện một cách điêu luyện và mê đắm.
Đó là buổi tập luyện tại gia của giáo sư Tôn Thất Triêm với dàn hợp ca Hy Vọng. Sau một thời gian dài sau đợt giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của COVID-19, những thành viên trong dàn hợp xướng tới chúc mừng giáo sư Tôn Thất Triêm và người vợ, nghệ sĩ opera Xuân Thanh, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, nhân tiện ôn lại những ca khúc cũ.
Hợp ca Hy Vọng ra đời cách nay gần 20 năm, với 7 thành viên khiếm thị đến từ Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Giáo sư Tôn Thất Triêm kể cách nay hơn 20 năm, ông được một người bạn là ông Phạm Lê Hùng - chủ tịch tổ chức Samaritan's Purse, mời dạy thanh nhạc cho các bạn nhỏ ở Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Tới năm 2004, ông tập hợp một nhóm gồm các nghệ sĩ khiếm thị có năng khiếu và đam mê âm nhạc. Đến nay dàn hợp ca Hy Vọng đã có thêm nhiều hy vọng hơn khi dung nạp thêm 13 thành viên mới, cùng nhau tham gia hàng ngàn buổi diễn lớn, nhỏ kể từ khi thành lập.
Điểm đặc biệt của hợp ca Hy Vọng: các thành viên trong nhóm là tập hợp của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và cả các thành viên bán chuyên, mỗi người lại làm một công việc khác nhau, đến từ một vùng quê khác nhau.
Có người là nhạc công, có người lại công tác trong hội người mù, có người hành nghề tẩm quất... Có người ở tại Hà Nội, có người ở Bắc Ninh, người mãi Vĩnh Phúc hay ở tận Ninh Bình.
Điểm chung mà họ cùng chia sẻ là tình yêu dành cho âm nhạc. Bởi vậy chỉ cần có lịch diễn hay lịch luyện tập, tất cả đều có mặt đúng giờ, bất kể là ở đâu hay đang có việc riêng gì.
Để có những buổi biểu diễn xuất sắc, các thành viên của dàn hợp ca Hy Vọng đã phải tập đi tập lại hàng tháng trời.
Trước khi lên sâu khấu, các nghệ sĩ đã phải dành ra rất nhiều thời gian tập luyện. Họ phải ký âm từng nốt, từng câu, từng đoạn thành chữ nổi, luyện từng câu, phối từng bè trước khi ghép vào thành một bài hoàn chỉnh.
Giáo sư Tôn Thất Triêm và dàn hợp ca Hy Vọng gây ấn tượng với khán giả khi trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) cuối năm 2020 - Ảnh: MAI THƯƠNG
Chúng tôi hầu hết ai cũng phải bươn chải, vật lộn mưu sinh để có thể sống tiếp với đam mê. Chỉ có những phút giây sống trong âm nhạc, chúng tôi mới thực sự quên đi sự thiệt thòi của bản thân để tìm kiếm sự thăng hoa trong những phút giây mình đang sống.
Anh Nguyễn Văn Hùng (một thành viên của dàn hợp ca Hy Vọng)
Cũng từ tình yêu âm nhạc là điểm chung, nên khi nhắc tới dàn hợp ca Hy Vọng, giáo sư Triêm luôn giữ một tone giọng đầy tự hào như người cha kể về những đứa con của mình.
Ông luôn khoe với người đến thăm về những buổi biểu diễn của Hy Vọng nhân dịp Quốc khánh Sri Lanka, Mỹ, Đức, Pháp hay show diễn nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, cả những bức thư của đại sứ quán các nước gửi tới cảm ơn sau khi nhóm diễn xong.
Đằng sau ánh hào quang đó, hợp ca Hy Vọng đã phải trải qua những năm tháng chật vật để giữ được niềm hy vọng chung của mình.
Trong buổi đoàn tụ, kỷ niệm mà vợ chồng giáo sư Triêm và các học trò nhớ nhất không phải là những đêm diễn lớn mà chỉ là những đêm cả thầy lẫn trò không có tiền ăn, phải nấu những nồi mì gói "không người lái".
Những thành viên của Hy Vọng cũng mỗi người một cảnh ngộ, không ai giống ai. Họ vẫn hay kể chuyện về nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, phải vào viện chạy thận mỗi tuần ba lần nhưng chưa bỏ lỡ một buổi tập luyện nào cùng với nhóm.
Hay giọng ca Nguyễn Trinh dù làm nghề tẩm quất nhưng có khả năng học ngoại ngữ, có thể nói thành thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
Khán giản trong một buổi diễn của dàn hợp ca Hy vọng
Nói về động lực gắn bó với cộng đồng người khuyết tật, giáo sư Tôn Thất Triêm hồi tưởng: "Là một nghệ sĩ lớn lên và trưởng thành trong thời chiến, tôi có những năm tháng lăn lộn nơi chiến trường. Ở nơi nhiều đau thương nhất, tôi hiểu sức mạnh chữa lành của âm nhạc lớn như thế nào.
Có âm nhạc, những người dân vùng chiến sự tạm quên đi được những điều thống khổ, những mất mát, hy sinh mà họ phải gánh chịu trong đằng đẵng nhiều năm trời.
Hay có những người lính chiến, những thương binh rơi nước mắt khi nghe bản Hát ru của Tchaikovski qua tiếng đàn accordion. Tôi muốn đồng hành cùng những người khiếm thị để họ hiểu âm nhạc là ánh sáng, là ước mơ và hy vọng".
Gần hai thập niên kể từ khi Hy Vọng ra đời, tiếng đàn của giáo sư Tôn Thất Triêm vẫn luôn là trụ cột tinh thần đối với các học trò.
Nhờ có hợp ca Hy Vọng, những người khiếm thị được "nhìn thấy" cuộc đời theo một cách khác: thấy hình hài hy vọng trong một lời ca, thấy ánh sáng của hôm nay và cả ngày mai trong nốt ngân dài. Như một bản nhạc không có nốt kết thúc, hy vọng, dàn hợp ca Hy Vọng luôn sống mãi với khán giả trong đam mê âm nhạc của mình.
No comments: