Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Nhớ Nội và những cái Tết ấm áp
Ông Nội thích bông mai và bông trang, năm nào Nội cũng chăm sóc hàng mai và mấy chậu bông trang thật kỹ lưỡng để đón Tết. Theo Nội nói thì bông trang đỏ tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý, thịnh vượng. Mùa xuân Nội xới đất làm cỏ, sau mỗi lần mưa Nội lại tiến hành xới đất cho tơi xốp để cây sinh trưởng tốt, cho hoa rực rỡ mỗi độ xuân về. Tôi thường lẽo đẽo theo Nội để nghe ông thủ thỉ kể chuyện đời xưa. Thỉnh thoảng tôi lại bứt cái bông trang đưa vào miệng mút mút thấy ngòn ngọt. Tôi không nhớ mình đã mút hết bao nhiêu cái bông trang như thế!
Hồi ấy Nội làm trưởng ấp, được xã giao một khẩu súng để "bảo vệ trị an". Dân trong ấp rất kính trọng và gọi Nội bằng hai từ “bác Ba” một cách trìu mến. Bất kỳ có chuyện to, chuyện nhỏ, tranh chấp, bất hòa gì trong gia đình, làng xóm họ đều nhờ Nội hòa giải. Tôi nhớ đêm 28 Tết, tiếng chó sủa rộ lên ở xóm trên, Nội lật đật cầm khẩu súng, mở cửa ra nghe ngóng. Có tiếng la dồn dập: “Có trộm, bác Ba ơi, có trộm!” và nhiều bước chân chạy huỳnh huỵch. Mấy con chó nhà tôi cũng sủa inh ỏi kèm theo tiếng gà quang quác. Nội lập tức ôm khẩu súng lao ra khỏi cửa trong đêm tối, bắn “đùng đùng” mấy phát, ba tôi cầm khúc cây chạy phía sau la: "Ăn trộm, bớ người ta ăn trộm!”. Má tôi cầm cây đèn bão chạy vụt theo. Chú Năm nhà bên cạnh cũng tay đèn, tay xà beng lao qua hỗ trợ. Bà Nội liền đóng kín cửa không cho mấy đứa cháu ra ngoài. Chị em tôi run cầm cập nhưng vẫn háo hức muốn được ra ngoài để coi.
Lát sau tình hình yên ắng, ba tôi và mọi người đến cửa chuồng gà soi đèn vào. Chuồng trống không, đàn gà 20 con Nội nuôi để dành ăn Tết đến ra Giêng bị trộm bắt sạch. Nhìn lên vách, tấm tôn bị thủng mấy lỗ to. Thì ra Nội bắn chỉ thiên thủng vách chuồng gà! Không ai nhịn được cười! Sáng ra tổng kết lại số gà bị mất: bà Bảy mất hơn chục con, nhà Nội 20 con. Lối xóm sang chia buồn, không ngớt lời mắng lũ trộm "ác nhơn". Rồi thì người biếu con gà, người cho cặp vịt để "nhà bác Ba ăn Tết". Từ chối không được trước tấm lòng của chòm xóm, ông nội nhận rồi kêu chú Út tôi xách hai con gà và vịt lên xóm trên biếu lại bà Bảy. Năm ấy nhà Nội tôi ăn Tết với năm con gà, vịt!
Rồi ba má tôi chuyển ra ở riêng, nhà làm bằng mái tôn vách đất, cách nhà Nội một khu vườn. Những ngày giáp Tết, dọn dẹp nhà cửa xong, đúng ngày 28, má tôi lấy trong tủ ra bộ tranh truyện "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" giao cho chị Hai treo lên vách nhà trên, cạnh nơi kê bộ ván ngủ của mấy chị em. Vách được đắp bằng đất gò mối nhào với rơm, lâu ngày đất lại rơi một ít, thò ra những sợi rơm nâu nâu, chị Hai lấy kéo cắt những sợi rơm thò ra rồi cẩn thận treo bộ tranh lên. Bộ tranh truyện được viết, vẽ minh họa rất đẹp trên năm tấm giấy dài, màu ngà, kiểu loại giấy để viết câu đối như bây giờ nhưng khổ rộng hơn. Bộ tranh chỉ được treo từ ngày 28 tháng Chạp cho đến ngày mùng 7 hạ nêu thì được gỡ xuống và cất đi, để dành Tết năm sau thì lấy ra treo lại. Nhà Nội cũng có một bộ tranh "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" y chang như vậy. Hồi nhỏ tôi thường nghe Nội nói về ý nghĩa nhan đề truyện để nhắc nhở con cháu, nhưng tôi chỉ nhớ được câu "Truyện đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy", còn lại thì tôi không nhớ! (Dĩ nhiên sau này được học, tôi mới hiểu nhiều hơn ý nghĩa của truyện).
Tầm trưa 30, Nội kêu ba tôi và cô chú có gia đình riêng đến, phát cho mỗi nhà một chậu bông trang về chưng, hết Tết lại mang sang trả để nội chăm sóc cho Tết năm sau. Nội muốn con cháu ai cũng "giàu sang, phú quý, thịnh vượng" trong năm mới như ý nghĩa của bông trang.
Đêm 30, mấy chị em cứ nằm dán mắt nhìn bộ tranh truyện treo trên vách và ngắm cây bông trang của Nội dưới ánh đèn dầu tù mù mà đợi giao thừa. Cái mùi hương bông trang dịu nhẹ, mùi bông vạn thọ chưng trên bàn thờ thoang thoảng, hòa chung với mùi khói nhang thơm trong đêm trừ tịch đến giờ tôi đâu dễ gì quên!
Ngày ấy chưa có luật cấm đốt pháo nên chị em tôi cứ thao thức, hồi hộp chờ nghe pháo giao thừa. Bao giờ tiếng pháo ở nhà Nội cũng nổ đầu tiên. Tuy không theo một "luật lệ" nào, nhưng có lẽ làng xóm kính trọng Nội nên họ đợi khi nào nghe tiếng pháo nổ ở nhà "bác Ba" thì cả xóm mới cùng nhau đốt pháo! Bởi vậy tôi có thể phân biệt được tiếng pháo nào là của Nội trong đêm giao thừa hằng năm. Chúng tôi rất tự hào về Nội, cứ nghĩ nếu không có Nội thì sẽ không có giao thừa vậy!
Sáng mùng 1 Tết, chị em tôi dậy sớm, chạy sang nhà Nội tranh nhặt pháo với mấy đứa em họ. Những viên pháo không biết vì lý do gì mà không kịp nổ, đã rơi xuống lẫn trong đám xác pháo hồng cả mặt đất, giữa vườn mai vàng rực. Nhặt pháo xong, chờ đến lúc cúng cơm, các chú tề tựu đông đủ, cả đám lại đem những viên pháo nhặt được ra cho các chú đốt, ném xuống ao trước nhà Nội cầu may!
Lần đó do tranh nhặt pháo nên thằng em tôi va phải nhánh mai, ngã xuống đất mặt mũi lấm lem cát xen lẫn những cánh mai vàng, tệ hơn là khóe mắt bị chảy máu. Em tôi phải ăn Tết với vết sẹo nơi khóe mắt trái, cạnh sống mũi!
Những phong bao lì xì, những lời chúc Tết, mai vàng, pháo đỏ, mứt, bánh và cả vị bông trang ngòn ngọt nơi đầu lưỡi... cứ hoà quyện vào nhau. Mọi người quây quần đủ mặt bên mâm cơm đầm ấm sau một năm dài - là những ấn tượng khó phai về ngày Tết.
Sang mùng 2, một người bà con của Nội từ Sài Gòn về chơi với chiếc máy ảnh đeo trước ngực. Chúng tôi cứ chạy theo và nhoẻn miệng cười mỗi khi chú ấy giơ máy ảnh lên chụp bất cứ thứ gì! Cứ hễ máy ảnh loé lên thì lũ con nít kháo nhau là mình đã có mặt "trong đó".
Chị em tôi được chú ấy ưu ái chụp... ba tấm hình khi nghe ông Nội tôi giới thiệu: Đây là con thằng Hai đó!". Ông Nội và ba tôi đều là con trưởng, thằng em tôi nghiễm nhiên trở thành cháu đích tôn nên được họ hàng quý lắm! Hồi đó được chụp hình Tết là niềm "vinh dự" và mong ước của trẻ con vùng quê.
Qua bao cái Tết, nhà Nội bây giờ là nhà của chú thím. Sau ngày Nội mất, mấy chậu bông trang không ai chăm sóc, dần lụi tàn. Thím bảo: "Tết nhất bây giờ người ta chơi bông ly, bông lan, ai chơi bông trang quê mùa nữa!". Cũng may ba tôi đem về được một chậu và trồng ra đất, trước cổng nhà. Dù không thể chăm sóc tốt như Nội, nhưng mỗi lần Tết đến, trang lại đỏ rực đầu cổng, gợi cho tôi ký ức ngày xuân thời thơ bé. Tôi bẻ mấy nhánh ra cắm trên mộ ông. Nhìn mấy cành bông trang lẻ loi bên cạnh hoa ly đắt tiền của thím, tôi càng ngậm ngùi nhớ Nội, nhớ những cái Tết ấm áp thuở xưa.
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
No comments: