NSƯT Lê Chức xúc động kể về giây phút cuối đời của NSND Trần Tiến
Đã không còn nữa một nghệ sĩ của nghệ thuật đích thực, một nghệ sĩ của nhân dân – người xem bao năm. Đã không còn nữa một người biết ý thức và đầy tài năng tạo nên tiếng cười thanh sạch, thẩm mỹ được bắt đầu từ mình để đến với mọi người. Một người Hà Nội với tư chất thơm thảo đất Tràng An.
NSND Trần Văn Tiến (Trần Tiến) đã kết thúc cuộc "dạo chơi" nơi cõi tạm sau 87 năm sống, sáng tạo nghệ thuật, cống hiến hết mình và được yêu mến, kính trọng hết mực.
Tranh vẽ chân dung NSND Trần Tiến được con gái út Lê Vi đăng tải trên trang cá nhân. Ảnh: FBNV.
NSND Trần Tiến sinh ngày 30/11/1937 tại Hà Nội, trong số nhà 136 Quán Thánh yêu thương của gia đình nhiều anh em. Ông đã từng là uỷ viên BCH Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khoá III. Ông đã nhận được nhiều các hình thức khen thưởng của các cấp, của sân khấu và điện ảnh Việt Nam.
Hiểu theo nghĩa là ông được sinh ra để theo thiên mệnh Đinh Sửu đó là làm nghệ sĩ. Trong một gia đình đầy đặn nếp gia phong nhưng ở nơi ông lại có tư chất của người nghệ sĩ. Cậu thanh niên Trần Văn Tiến đi theo anh của mình là nghệ sĩ Trần Văn Nghĩa để trở thành thành viên của đoàn Văn công Trung ương từ tháng 10/1954. Để rồi ông dừng lại tại bến đỗ nghệ thuật lâu dài nhất, vinh quang nhất là Đoàn Kịch Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam) cùng với một thế hệ vàng, những bậc thầy tôn kính mà NSND Thế Lữ là người cầm chèo hướng lái lúc ban đầu.
Tài năng của nghệ sĩ Trần Tiến "phát lộ" và rực rỡ trên sân khấu kịch và trên màn ảnh, dù là trước đó ông đã như một "con dao pha" diễn chèo với các vai "hài" mặc định chất là "hề mồi – hề gậy" và cả hát múa, làm cả tiếng động sân khấu, ánh sáng sân khấu.
NSND Trần Tiến trong vai vua Lý Huệ Tông vở "Thái sư Trần Thủ Độ". Ảnh: Đại Mai.
Vậy là nghệ thuật Việt Nam đương đại từ 1954 đến 2023, chúng ta đã có được một thiên sứ – nghệ sĩ Trần Văn Tiến (NSND Trần Tiến). Trong bản "tiểu sử nghệ thuật" tự viết ngày 20/6/1997, nghệ sĩ Trần Tiến đã "tạm" thống kê 21 vai diễn sân khấu tiêu biểu và 13 vai "thành danh" trên màn ảnh. Cùng với các hoạt động nghệ thuật trên phát thanh – truyền hình, chương trình "An Ninh Tổ quốc" và làm đạo diễn cho phòng trào văn nghệ quần chúng.
Vai diễn với ông thật "đa dạng" với nhiều thứ bậc xã hội, ngành nghề, tuổi tác, kiến thức, vừa chính diện, vừa phản diện, lại có cả "trẻ em" như vai Ngọ - trong kịch vui Đâu có giặc là ta cứ đi, kịch trong nước và kịch nước ngoài.... Nhưng tất cả đều được quy chiếu theo một quan niệm làm nghệ thuật chính thống, sân khấu là nơi truyền cảm và góp phần giáo dục thẩm mỹ tốt đẹp cho người xem, nhưng nó phải được bắt đầu từ - người nghệ sĩ.
Chất diễn "hài" với ông như thiên năng đầy thuyết phục, với các "tượng đài nhân vật" như: Ông Đại Cát trong vở Quẫn, vai Cao bồi trong vở Đứng gác dưới ánh đèn ne – on, vai Đức trong vở Lửa hậu phương, vai Cậu Jooc "suốt ngày dài lại đêm thâu" ở vở Thần vệ nữ, vai Nghêu trong vở Nghêu – Sò – Ốc – Hến, vai cố vấn Trần Trí Tơ trong vở Nếu anh không đốt lửa.
Bức ảnh kỷ niệm của gia đình NSND Trần Tiến - NSƯT Lê Mai. Ảnh: GĐCC.
Đặc biệt, ông có một tài năng lớn khi thể hiện những hình tượng nghệ thuật của các danh nhân lịch sử như: Đức vua Lý Huệ Tông trong vở Thái Sư Trần Thủ Độ và hình tượng danh nhân Nguyễn Trãi… và nhiều vai diễn khác. Trong đó phải kể đến vai diễn đầy ấn tượng Tiên cờ Đế thích trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Và các nhân vật hài với ông đều ở mức độ cao của thẩm mỹ.
Trong điện ảnh phải kể đến các vai diễn như vai Chủ Sự trong phim Nguyễn Văn Trỗi, vai Thầy đồ phim Thằng Bờm, vai ông bố trong Tự thú trước bình minh cùng với con gái NSUT Lê Vân, vai Lý trưởng trong phim Quan Âm Thị Kính, vai Cố vấn ái tình trong phim Kén rể… và nhiều "ấn tượng điện ảnh" khác...
Năm 1980, bất ngờ nhất là nghệ sĩ Trần Tiến nhận lời của đạo diễn bậc thầy, NSND Nguyễn Đình Nghi để sáng tạo hình tượng danh nhân Nguyễn Trãi trong vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan với một Trần Tiến khác cùng sự chuẩn mực nho nhã, thanh tao uyên bác, số phận đến độ người xem tin được. Đến với Nguyễn Trãi, nghệ sĩ Trần Tiến đã là một tài năng sân khấu lớn.
Người xem trong nước và quốc tế yêu mến ông, gọi ông bằng tên của các vai diễn đã để lại danh tiếng nghệ sĩ cho đời. Khi đó ông thích lắm với một nụ cười nhẹ và một câu thật khẽ "Thế à, bạn nhận ra mình sao!". Họ nhận ra ông trong sự yêu mến và kính phục.
NSND Trần Tiến hội ngộ con gái và con rể. Ảnh: GĐCC.
Với cuộc đời và nghệ thuật, NSND Trần Tiến có một tâm công lớn là đã cùng với NSƯT Lê Mai tạo sinh ra 3 nữ nghệ sĩ tài danh họ Trần là: NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi. Ba con gái được nhận, được chia, được nhân lên ở trong mình một phần số phận, một phần tư chất nghệ sĩ và Đức – Trí – Tâm – Tài của bố và mẹ. Khi nhắc đến ông và bà, mọi người phải nói ngay đến ba cô con gái rượu – nghệ sĩ "tài danh" và ngược lại. Bên cạnh đó là hiện lên ngay một danh sách dài các nghệ sĩ nổi tiếng của hai bên họ tộc Trần và Lê.
Vài năm gần đây, NSND Trần Tiến đối trọng với tình trạng sức khoẻ không tốt, phải có sự trợ giúp của y tế. Cả gia đình đã tạo điều kiện tốt nhất để ông được chăm sóc và an tâm.
Lê Vi từ Pháp về ở bên bố mẹ, cùng hai chị và các cháu. Được nằm bên bố Tiến như ngày còn thơ bé, nắn bóp tay cho ông và cứ thầm nguyện là "Bố Tiến đợi Vi về rồi mới "đi"... vào lúc 16h35' ngày 21/1/2023, tức mùng 1 Tết Quý Mão.
Đại gia đình nghệ sĩ Trần Tiến - Lê Mai trong ngày Tết cách đây mấy năm. Ảnh: GĐCC.
Một gia tài diễn xuất khổng lồ của một nghệ sĩ dáng vẻ thanh nhã Hà Nội, luôn thông minh, hoạt bát trong ứng đối tinh tế, biết "vui" từ mình và làm vui cho mọi người. NSND Trần Tiến có một vị trí "sang trọng" trong sân khấu và điện ảnh cũng như trong lòng người xem.
Chọn giờ và ngày đi, cách ra đi nhẹ nhàng như vậy, thật đúng là... NSND Trần Tiến!
Chúng tôi đã cùng ở bên ông giờ - phút cuối để như được "chứng tâm" cho sự "bằng lòng với cuộc đời và thiên mệnh nghệ sĩ" của ông suốt 87 năm ở trên cõi tạm đầy sôi động này, để đi vào nơi tĩnh lặng vĩnh hằng, vô thường tuyệt đối.
Mọi người đang quy tụ ở đây… Đó là những ruột thịt, họ hàng, đồng nghiệp, khán giả yêu mến sân khấu và điện ảnh. Trước đây là bao lần đã gặp rồi, còn giờ đây là lần gặp cuối cùng.
Chúng tôi nhớ. Nhớ ông nhiều lắm. Trong hiện thực của sự trống vắng hữu hình, chúng tôi vẫn có ông là người "biết nhận", "biết vượt lên những trầm mặc, những éo le của số phận". Trong cõi nhớ của chúng tôi – có một khoảng lớn dành cho NSND Trần Tiến...
http://dlvr.it/ShKTmF
http://dlvr.it/ShKTmF
No comments: