Nhà tạo mốt phải xin lỗi vì dùng bướm sống trong thiết kế thời trang
Sau những lời chỉ trích từ phía nhóm bảo vệ quyền động vật PETA vì việc sử dụng bướm sống trong thiết kế trang phục, người sáng lập thương hiệu Undercover của Nhật Bản là Jun Takahashi đã đưa ra lời xin lỗi và cam kết sẽ không tái sử dụng động vật sống trong các thiết kế tương lai.
Trong bức thư gửi PETA, Takahashi viết: "Tôi rất tiếc vì đã bắt những con bướm có khả năng bay tự do trên bầu trời". Những chiếc váy "terrarium" của Undercover với hoa và bướm sống đã tạo ra những ấn tượng nghệ thuật tại Tuần lễ thời trang Paris Xuân - Hè 2024 vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, chúng đã gây ra lo ngại trong cộng đồng hoạt động vì quyền động vật về phúc lợi của côn trùng.
Nhà tạo mốt phải xin lỗi vì dùng bướm sống trong thiết kế thời trang
PETA đã thông báo cho Takahashi vào tháng 10/2023 rằng, những con bướm được sử dụng thường bị bắt từ tự nhiên hoặc nuôi nhốt trong các trang trại, nhiều con chết trong quá trình vận chuyển. Hiệp hội Bướm Bắc Mỹ cũng đã góp lời, họ cho biết, việc sử dụng bướm trong các sự kiện như đám cưới thường dẫn đến tình trạng chúng "thường chết hoặc sống dở chết".
Takahashi đã đáp lại vào ngày 17/10, bảo đảm rằng những con bướm trong buổi biểu diễn của ông được đặt mua từ một nhà lai tạo "đạo đức", được cung cấp dinh dưỡng và không gian rộng rãi để bay. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng, ông đã sai khi đưa những con bướm vào thiết kế của mình, nhưng vẫn giữ quan điểm rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt.
Sau sự kiện trình diễn, Takahashi đã thả những con bướm này vào công viên, mặc dù PETA đã nhắc nhở rằng, những con bướm nuôi nhốt có thể gặp khó khăn trong việc tìm thức ăn và có thể truyền bệnh cho côn trùng địa phương.
Người phát ngôn của PETA cho biết, họ đã gặp Takahashi để đánh giá lá thư của ông và có một cuộc thảo luận tích cực. Trong lá thư, Takahashi chia sẻ về niềm yêu thích của mình đối với loài bướm, xuất phát từ trải nghiệm tại đám tang của bà ông cách đây hai thập kỷ. Ông hy vọng rằng, sự hiểu biết này sẽ giúp họ cải thiện hành vi của mình và kêu gọi ý kiến và đóng góp từ cộng đồng để họ có thể học hỏi và cải thiện hơn trong tương lai.
Nguồn: Sưu Tầm
No comments: