“Thả cá Koi dịp cúng ông Công ông Táo chỉ tạo nên sự tốn kém, ganh đua, phân biệt giàu nghèo”
Lễ cúng ông Công ông Táo là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt trước Tết Nguyên đán. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về dịp lễ đặc biệt này.
Nhiều người cho rằng, Tết bắt đầu gõ cửa từ khi sửa soạn lễ cúng ông Công ông Táo. Thưa PGS.TS Phạm Ngọc Trung, quan niệm này có đúng với truyền thống?
- Theo phong tục tập quán của người Việt, Tết là cả một giai đoạn từ 23 tháng Chạp đến khoảng mùng 7 tháng Giêng. Lễ cúng ông Công - ông Táo là khởi đầu cho việc người Việt chúng ta bước vào đầu năm mới.
Xuất phát từ nhận thức quan của con người về thế giới, về Thiên – Địa - Nhân (trời, đất và người), con người tưởng tượng ra mối quan hệ với trời đất và các vị thần linh và quan niệm rằng, đất thì có Thổ Công, sông có Hà Bá. Vậy nên, mảnh đất của mỗi gia đình đều có những vị thần linh che chở. Các vị ấy xua đuổi tà ma để người dân được an lành, khỏe mạnh.
Và trong phần đất ấy, bếp là nơi quan trọng nhất, bởi liên quan trực tiếp tới đời sống của gia đình. Nếu có dịp tham quan nhà sàn của các vùng dân tộc, bếp vẫn là nơi quan trọng nhất.
Người Việt ta cúng lễ ông Công ông Táo chính là thần đất và thần bếp bao gồm hai ông và một bà. Theo quan niệm dân gian, ông Táo vừa là thần bếp cũng vừa là người ghi chép việc làm tốt xấu đã qua của gia chủ và về thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng vào 23 tháng Chạp.
Theo ông, việc cúng ông Công ông Táo ở mỗi vùng miền có gì khác biệt biệt? So với các tỉnh thành khác, việc đốt vàng mã hoặc thả cá tại Hà Nội và các thành phố lớn có vẻ nhiều hơn?
- Bất cứ phong tục tập quán gì cũng không có sự thống nhất tuyệt đối mà có sự khác biệt giữa địa phương này với địa phương khác, ngay cả ở thủ đô Hà Nội cũng cũng vậy.
Thứ nhất về mặt thời gian, tôi thấy nhiều gia đình họ cúng ông Công ông Táo phải vào ngày 23 tháng Chạp và họ không làm sau 12 giờ trưa. Bởi họ quan niệm đúng giờ đó và ngày đó, ông Công ông Táo đã lên trời rồi, vậy nên phải cúng trước để ông Công ông Táo đón nhận được sự tiễn đưa. Nhưng cũng có những người họ lại cúng trước từ rằm tới trước ngày 23, hoặc cũng có trường hợp tới chiều tối ngày 23 cúng cũng được chứ không thấy ai để quá sang ngày 24 cả. Điều này có thể do họ không thấm đẫm triết lý của văn hóa dân gian về ngày cúng ông Công ông Táo.
Thứ hai, sự khác nhau có thể về vật tế lễ. Thường trong lễ cúng ông Công ông Táo sẽ bao gồm hương, nến, hoa quả, vàng mã bao gồm áo, mũ và đôi hài của các vị quan thổ công, thổ địa. Đặc biệt là không thể thiếu ba con cá chép, có thể là cá chép thật hoặc cá chép giấy kèm theo các cỗ mũ. Nhưng có nơi họ bày nhiều hoặc ít hơn các lễ vật như đã nêu trên, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mỗi gia đình.
Qua mỗi thời kỳ, lễ cúng ông Công ông Táo đã thay đổi thế nào thưa ông?
- Trong nhận thức dân gian thời xưa, việc cúng ông Công ông Táo rất đơn giản, tùy theo mỗi gia đình có gì cúng đó. Nhà ai trồng xoài thì cúng xoài, ai trồng quýt thì cúng quýt hoặc con gà, mâm xôi. Còn về cá thì thời xưa điều kiện còn khó khăn, không phải ai cũng có cá để thả nên người ta thường vẽ tranh giấy và treo lên để tượng trưng cho việc hóa rồng.
Thời tôi còn nhỏ, ở các gia đình nông thôn miền Bắc khá giả có tục dựng cây nêu và thường được treo hoặc trang trí thêm những họa tiết khác. Mục đích chính của tục dựng cây nêu là để xua đuổi ma quỷ. Theo quan niệm dân gian, trong những ngày ông Công ông Táo lên trời từ 23 tháng Chạp tới 30 Tết, không còn ai che chở, bảo hộ cho người dân nên ma quỷ có thể hiện lên quấy phá.
Cây nêu này thường được dựng ở ngoài ngõ để nếu ma quỷ có đến thì tập trung ở ngoài cây nêu đó chứ không vào trong nhà. Bên cạnh đó thì người ta còn rắc vôi bột thành hình cung tên rất to hướng bắn thẳng ra ngoài ngõ cũng với mục đích trừ tà, ma quỷ.
Thời giây giờ thì rõ ràng đời sống con người khá hơn, phú quý sinh lễ nghĩa thì họ cũng đầu tư hơn cho đời sống tâm linh nên lễ vật sắm sửa cúng thịnh soạn hơn. Chưa kể ở các thành phố như Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều nền văn hóa từ các tỉnh khác nên dần dần cũng có sự hòa trộn, học hỏi lẫn nhau, lễ vật cúng ông Công ông Táo vì lẽ đó mà càng phong phú hơn.
Thời đại mà con người có đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, nhà nước cũng tạo điều kiện để người dân tự do tín ngưỡng, không cấm bất cứ thứ gì nên mỗi gia đình đều có thể làm theo ý mình, miễn sao là trong khuôn khổ, không gây tới hỏa hoạn hay ảnh hưởng tới môi trường.
Bên cạnh hiện tượng "phú quý sinh lễ nghĩa" như ông chia sẻ, cũng có không ít người mua sắm lễ vật rườm rà, sắm đồ vàng mã điện thoại di động, vali, cả xe máy, ô tô… cúng ông Công ông Táo. Điều này có phản ánh tính thực dụng đã đi vào cả đời sống tâm linh? Nhiều người quan niệm cúng là phải to, phải rình rang, thậm chí linh đình thì mới linh ứng, mới thiêng, thần linh mới phù hộ cho con người?
- Văn hóa luôn biến đổi theo thời cuộc. Tôi cũng từng khảo sát nhiều về những đồ tế lễ vào những dịp như thế này. Việc người dân làm thêm một số đồ tế lễ mới như nhà cửa, ô tô, xe máy... hay thậm chí cả hình nhân người giúp việc, đó là những quan niệm của một số người cho rằng "trần sao âm vậy". Hoặc cũng có thể là cùng với cúng lễ cho ông Công ông Táo, họ cũng cúng lễ gia tiên luôn.
Điều này do những hiểu biết rất thực dụng của một số người dân thôi, nhưng cũng không chiếm tỉ lệ nhiều lắm. Ở những cửa hàng mã dịp cận 23 tháng Chạp, số lượng đồ lễ như thế được bày bán cũng không quá nhiều so với những chiếc mũ, áo quan ông Công ông Táo hay những con cá chép giấy. Điều đó cho thấy những tín ngưỡng dân gian vẫn còn giữ được và chưa bị biến tướng quá nhiều. Tôi thấy 1-2 năm gần đây, nhận thức người dân cũng đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên, số người đốt vàng mã số lượng lớn cũng đã giảm. Họ chỉ còn sắm những thứ đơn giản như giấy tiền.
Người dân nên phóng sinh, đốt vàng mã thế nào trong ngày cúng ông Công ông Táo để phù hợp với bối cảnh hiện đại và vẫn giữ được nét truyền thống, thưa ông?
- Cá nhân tôi quan niệm những tín ngưỡng dân gian mình chỉ nên định hướng, góp ý cho người dân làm đúng hơn và tốt hơn thôi. Cấm thì không được vì còn phụ thuộc và yếu tố tín ngưỡng tâm linh của mỗi người. Các văn bản Nhà nước đưa ra cũng khuyến cáo nên hạn chế hoặc cấm ở những chỗ nào đó thôi. Điều này còn phụ thuộc tính tự giác và nhận thức của mỗi người dân.
Đốt vàng mã nhiều thì cũng không giải quyết được vấn đề gì cả, thậm chí còn gây ô nhiễm. Nhưng bỏ luôn ngày một ngày hai thì chưa được, người dân chưa hoàn toàn thay đổi nhận thức thì tâm lý chưa thể yên tâm.
Việc thả cá chép cũng vậy, cũng là một nét sinh hoạt văn hóa nếu mọi người đều nhận thức tốt và làm tốt. Nhu cầu người dân tăng lên cũng tạo điều kiện để các hộ nuôi phát triển kinh tế. Nhưng cũng cần tránh những hình ảnh gây phản cảm như quang ném cá mạnh từ độ cao lớn hoặc hất chậu cá như hất đổ đi hay cũng tránh tình trạng phóng sinh luôn cả túi nilon. Làm sao để con cá sống và sinh sôi nảy nở được, tránh chưa vượt vũ môn đã chết mất.
Bên cạnh đó, làm sao đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, tránh gây mất vệ sinh vì cứ tưởng tượng cả triệu người đi phóng sinh mà mỗi người xả ra chút rác thì nhân viên môi trường cũng không dọn xuể được.
Còn chúng ta chuẩn bị cho năm mới thì vẫn nên sắm sửa trang trọng nhất tùy theo khả năng, điều kiện hoàn cảnh của mình và với một niềm tin kính cẩn nhất để giữ những nét đẹp văn hóa. Tôi không khuyến khích phải tế lễ nhiều nhưng cũng không giảm thiểu tuyệt đối. Làm sao để như Chính phủ đã khuyến cáo, Tết phải tiết kiệm, an toàn mà vẫn vui vẻ, hạnh phúc.
Những năm gần đây, xuất hiện trào lưu phóng sinh cá Koi thay vì cá chép. Điều này có phù hợp với văn hóa truyền thống hay là biểu hiện của thói sinh ngoại, thói hình thức trong văn hóa, thưa ông?
- Cách đây mấy chục năm trước, tôi thấy người ta chỉ thả cá nói chung tôi, thường là cá chép nhỏ nhưng các loài cá khác như cá diếc thì cũng có. Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, người ta mới bắt đầu thả cá vàng rất đẹp, kích thước vừa phải và trông rất khỏe khoắn.
Những năm gần đây, người ta mua những giống cá nước ngoài như cá Koi, có thể người ta cho rằng như vậy mới là độc đáo. Nhưng tôi nghĩ như vậy là không cần thiết. Một là tốn kém, hai là có thể dẫn tới những tình trạng ganh đua, phân biệt đẳng cấp không đáng có. Chúng ta cứ nên giữ theo truyền thống với loài cá chép như hiện tại vẫn là tốt nhất.
Nguồn: Sưu Tầm
No comments: